Sáng 3-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Dương Tấn Quân, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, với chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Tại hội nghị, nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực “tam nông” và GD-ĐT đã được cử tri phản ánh, kiến nghị.
Các đại biểu: Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Dương Tấn Quân, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 3-10. |
GIÚP NÔNG DÂN, DN YÊN TÂM SẢN XUẤT
Cử tri Vũ Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh (huyện Xuyên Mộc) cho biết, hiện DN đang có trại chăn nuôi 3.000 con heo nái bằng công nghệ đệm lót sinh học và không xả nước thải ra môi trường. Công ty đang muốn xây dựng khu nhà xưởng giết mổ heo để hình thành quy trình khép kín từ chăn nuôi đến chế biến và hướng đến xuất khẩu. Hồ sơ, thủ tục về triển khai xây dựng khu nhà xưởng đã được DN hoàn thiện và gửi đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có “hồi đáp’. Ông Bích kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, đơn giản hóa một số thủ tục để công ty có thể nhanh chóng thực hiện dự án trên.
Tại hội nghị, các cử tri còn phản ánh tình trạng đầu ra cho nông sản hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các sản phẩm sản xuất đạt chuẩn VietGAP. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên diễn ra khiến nông dân gặp khó. Cử tri Phạm Nhàn (huyện Xuyên Mộc) cho biết, ông đang trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ theo Dự án phát triển tiêu bền vững của huyện Xuyên Mộc. Hiện hồ tiêu của gia đình ông đã được công nhận là sản phẩm sạch. Tuy nhiên, giá tiêu sạch bán ra thị trường vẫn chỉ 53 ngàn đồng/kg, bằng với giá tiêu thông thường. Do vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ tìm đầu ra cho hồ tiêu sạch nói riêng và nông sản sạch trên địa bàn tỉnh nói chung, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Giải đáp kiến nghị của cử tri về các vấn đề trên, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay, nhiều nông dân trồng theo phong trào mà không tuân thủ quy hoạch dẫn đến vượt quy hoạch, nên nếu có biến động về giá cả, dịch bệnh thì sẽ bị thiệt hại. Do vậy, nông dân cần tuân thủ theo quy hoạch và định hướng của ngành nông nghiệp để tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
Thông tin cho cử tri về vấn đề tiêu thụ nông sản, bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tìm đầu ra cho nông sản của tỉnh. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân nông dân, HTX, DN cần chủ động chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tăng cường tham gia các hoạt động quảng bá nông sản. Bà Hảo thông tin thêm, hiện nay, Sở Công thương đang có chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp, DN thiết kế trang Web giới thiệu quảng bá sản phẩm và chương trình này hoàn toàn miễn phí.
Cử tri kiến nghị các sở, ngành hỗ trợ tìm đầu ra cho tiêu và các nông sản sạch của tỉnh. Trong ảnh: Chăm sóc tiêu tại tổ hợp tác trồng tiêu hữu cơ xã Suối Rao, huyện Châu Đức. |
KHÔNG ĐỂ LÃNG PHÍ SÁCH GIÁO KHOA
Liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT, các cử tri phản ánh nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề như: Chương trình giáo dục phổ thông, lãng phí sách giáo khoa, quy hoạch giáo dục thiếu tính ổn định, gây bức xúc cho người dân...
Cử tri Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Vũng Tàu) cho rằng, thời gian qua, chương trình giáo dục phổ thông thay đổi liên tục đã ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Hình thức tổ chức gộp chung 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và đại học đã góp phần giảm các chi phí, tuy nhiên việc ghép các tổ hợp môn (3 môn) và thi trong một buổi đã gây áp lực cho cả giáo viên và HS. Ngoài ra, việc này còn khiến lượng kiến thức HS phải học rất lớn, thậm chí không “kham nổi”. Ngoài ra, việc thay đổi sách giáo khoa cũng nên có lộ trình, có sự thống nhất và Quốc hội nên giám sát việc xây dựng, đổi mới sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã đạt chuẩn chưa. Khi nào đạt chuẩn thì mới tiến hành áp dụng, tránh tình trạng mỗi năm mỗi thay sách giáo khoa như hiện nay.
Bài, ảnh: VÂN ANH - QUANG VINH
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH: Cần định hướng cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp Tại hội nghị này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận 13 ý kiến của cử tri liên quan đến các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và GD-ĐT. Đối với những vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô thuộc lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp – nông dân – nông thôn, Đoàn ĐBQH ghi nhận và sẽ có ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sắp tới. Còn đối với vấn đề liên quan đến các chính sách thuộc phạm vi giải quyết của tỉnh, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Trong đó, chú trọng định hướng cho nông dân về cơ cấu cây trồng, chăn nuôi phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có sản phẩm đạt chất lượng cao, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ… |