Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên

Thứ Hai, 15/10/2018, 16:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì việc phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Cán bộ không chuyên trách Trần Thị Minh Trang, tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa của UBND phường Phước Hiệp. Ảnh: PHÚC LƯU
Cán bộ không chuyên trách Trần Thị Minh Trang, tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa của UBND phường Phước Hiệp. Ảnh: PHÚC LƯU

Trên cơ sở nhận thức rõ việc phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là một trong những cách thức hữu hiệu hướng đến củng cố và phát triển mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết lớn và các quy định có liên quan để không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân cũng như phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. 

Tuy nhiên, như Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ ra về tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, có biểu hiện suy thoái nhưng chưa được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân đến từ sự yếu kém trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, cụ thể là, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Nguyên do là ở một số nơi, người dân còn e ngại và né tránh việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên; không dám tố giác những vụ, việc cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật vì sợ bị trù dập, bị gây khó dễ khi phải đến các cơ quan công quyền giải quyết công việc cá nhân, gia đình. Một nguyên nhân khác là do chủ nghĩa cá nhân chi phối nên nhận thức và hành động không cùng song hành, dẫn tới nảy sinh vấn đề vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; ngại tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, thiếu trách nhiệm trong giải quyết các công việc, yêu cầu bức xúc của người dân; không tổ chức để nhân dân đối thoại, góp ý với cán bộ, đảng viên theo quy định; không thực hiện công khai theo quy định để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên. 

Để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là giám sát cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện một số giải pháp như:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, sự phát triển nhanh chóng của internet và số lượng người dùng điện thoại có kết nối mạng không ngừng tăng lên, không phân biệt thành thị và nông thôn, vấn đề tạo lập các kênh thông tin để người dân được tiếp cận và qua đó, thực hiện các hành vi giám sát của họ đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuận lợi hơn nhiều. Do vậy, vấn đề cần làm là lựa chọn nội dung và phương thức truyền tải phù hợp với từng đối tượng người dân ở từng địa bàn dân cư để họ có cơ sở thực hiện quyền giám sát.

Bên cạnh đó, cần làm cho người dân hiểu rằng, cán bộ được trả lương là để phục vụ người dân, phụng sự đất nước, đó là quyền được hưởng, đồng thời cũng là nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, khi phát hiện thấy cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống cần báo ngay cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; không nên bồi dưỡng, lót tay cho cán bộ bằng phong bao, phong bì để được giải quyết công việc. Nếu mỗi người dân không nhận thức được điều này thì chẳng những họ không thực hiện được quyền giám sát của mình mà còn góp phần làm hư hỏng cán bộ.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nhận thức của người dân về quyền giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có tốt hay không, ngoài sự chủ động của chính người dân trong việc tìm hiểu và tiếp cận các thông tin có liên quan thì còn phụ thuộc vào hoạt động phổ biến, thực hiện các nội dung về quyền giám sát của nhân dân trong các văn bản của Đảng và Nhà nước của các cơ quan công quyền; của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ này về trách nhiệm của họ trong việc công khai và thực hiện nghiêm các quy định để nhân dân thực hiện quyền giám sát, trước hết là 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; các quy định về công khai tài sản ở nơi cư trú, công khai chuẩn mực đạo đức công vụ gắn với vị trí công việc; tổ chức có hiệu quả hội nghị tiếp dân định kỳ; trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý các thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân có liên quan đến vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình; khắc phục tình trạng làm đối phó, làm cho xong chuyện, không quan tâm tới hiệu quả như ở một số nơi thời gian qua.

Thứ ba, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tăng cường hơn nữa các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân; nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền, trực tiếp giải quyết các công việc có liên quan đến người dân.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết các công việc có liên quan đến người dân để họ có cơ sở cần thiết giúp cho hoạt động giám sát diễn ra thường xuyên, chặt chẽ, đúng nội dung, kịp thời và có hiệu quả. Bởi thực tế có nhiều trường hợp người dân tố cáo nhưng phản hồi trở lại đến người dân của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm gần như không có hoặc chất lượng thấp, do mới chỉ chú ý đến giải trình bị động (khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc dưới áp lực của dư luận) nên dễ phát sinh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, khiếu nại vượt cấp hoặc tố cáo nặc danh do người dân không tin vào việc giải quyết của cơ quan chức năng hoặc do họ sợ bị trả thù, trù dập.

Thứ tư, có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những người dân kịp thời phát hiện, tố cáo các vụ, việc sai phạm của cán bộ, đảng viên; đồng thời xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình trù dập người tố cáo.

HÀ SƠN

;
.