.

Làm gì để tránh tình trạng cán bộ Đoàn bị "dồn toa"?

Cập nhật: 18:56, 08/10/2018 (GMT+7)

Sau nhiều năm cống hiến cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, cán bộ Đoàn quá tuổi đều mong muốn được trưởng thành Đoàn và luân chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp. Tuy nhiên, điều này đang gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ Đoàn thi thiết kế cổng trại trong Hội trại “Thủ lĩnh thanh niên” huyện Xuyên Mộc năm 2018.
Cán bộ Đoàn thi thiết kế cổng trại trong Hội trại “Thủ lĩnh thanh niên” huyện Xuyên Mộc năm 2018.

KHÓ TỪ CƠ SỞ 

Anh Lê Xuân An (SN 1979) đã có hơn 15 năm làm công tác Đoàn, trong đó gần 11 năm là Bí thư Đoàn phường Long Tâm (TP.Bà Rịa). Qua nhận xét của lãnh đạo phường và ĐVTN thì anh An là một cán bộ có năng lực, đóng góp nhiều cho phong trào Đoàn, Hội tại địa phương. Tuy nhiên, ở tuổi 39 thì sức trẻ của người thủ lĩnh Đoàn đang vơi dần. Thêm vào đó, suy nghĩ, sở thích của độ tuổi U40 khác với độ tuổi 18, 20, 30 khiến anh An khó có thể nắm bắt kịp tâm tư, nguyện vọng, sở thích của ĐVTN trong phường. Do đó, anh An mong muốn được chuyển sang một vị trí khác để tiếp tục cống hiến cho địa phương, nhưng nguyện vọng của anh chưa được đáp ứng vì chưa có vị trí việc làm phù hợp.

Không riêng gì anh Lê Xuân An, toàn tỉnh hiện có tới 24 Bí thư Đoàn xã, thị trấn có tuổi đời từ 35 trở lên. Theo anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, việc Bí thư Đoàn cấp cơ sở quá tuổi, chưa bố trí được công việc phù hợp, ảnh hưởng rất lớn đến phong trào Đoàn, làm hạn chế khả năng phấn đấu của lớp cán bộ Đoàn kế cận. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về tuổi tác giữa thủ lĩnh Đoàn và ĐVTN sẽ tạo nên khoảng cách trong suy nghĩ và hành động, ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương.

Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, nguyên nhân của tình trạng khó tìm đầu ra cho cán bộ Đoàn quá tuổi là do số lượng cán bộ được biên chế tại các xã, phường, thị trấn hạn chế, thường là những người giữ chức vụ Bí thư, Chủ tịch, trưởng các ban, ngành, đoàn thể. Do đó, khi có cán bộ về hưu, chuyển công tác mới có chỗ trống để luân chuyển cán bộ Đoàn thay thế. Tình trạng bí “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi, nhất là ở cấp cơ sở, xảy ra tại các địa phương từ nhiều năm trước. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, vấn đề trên càng trở nên khó khăn hơn do các địa phương đều phải thực hiện công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh lý do khách quan là biên chế có hạn, chức danh đã đủ trong khi đó trên thực tế, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ Đoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu luân chuyển. Đơn cử như trường hợp của chị Trần Thị Vấn (SN 1982, Bí thư Xã Đoàn Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). Năm 2006, chị Vấn được ĐVTN, lãnh đạo địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư Xã Đoàn. Trong lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, chị Vấn đã được cấp ủy cử tham gia lớp Trung cấp lý luận chính trị và Đại học chuyên ngành Công tác xã hội. Có những thời điểm cấp ủy cần người thay thế thì chị Vấn lại chưa đạt yêu cầu do chưa tốt nghiệp đại học. Khi đã tốt nghiệp đại học, chị Vấn được Đảng ủy xã Phước Thuận đưa vào danh sách quy hoạch nhân sự nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc chuyển sang công tác vị trí nào còn phụ thuộc vào “chỗ trống” của các chức danh trong bộ máy của xã. Nghĩa là chị Vấn phải chờ người đảm nhiệm chức danh ấy nghỉ hưu hoặc chuyển công tác thì mới được luân chuyển. 

Theo đồng chí Trần Tuấn Lĩnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay, chất lượng “đầu vào” của cán bộ Đoàn cơ sở ở một số nơi còn thấp do việc lựa chọn cán bộ Đoàn chủ yếu dựa vào sự nhiệt tình, năng động chứ chưa chú ý đến trình độ chuyên môn. Trong quá trình công tác lại chưa sắp xếp được thời gian đi học, nâng cao trình độ để đáp ứng các tiêu chí về chức danh công chức xã, phường, thị trấn nên đánh mất cơ hội được luân chuyển, bố trí sang vị trí khác hoặc xét tuyển, thi tuyển công chức.

“ĐẦU VÀO” VỮNG CHẮC MỚI CÓ “ĐẦU RA” CHẤT LƯỢNG

Để tránh hiện tượng “dồn toa”, gây khó khăn cho cả những người sẽ được đôn lên làm thủ lĩnh Đoàn kế tiếp, các cấp Đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng trong việc xây dựng lộ trình cụ thể, dài hơi từ công tác tuyển dụng đầu vào đến khâu đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch đầu ra cho cán bộ Đoàn. Ngay từ khi bổ nhiệm, các cơ sở Đoàn cần tham mưu cho cấp ủy về phương hướng chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trình độ chính trị, phù hợp với năng lực và sở trường, sau đó có phương án ưu tiên bố trí những vị trí công tác thích hợp đối với cán bộ Đoàn.

Anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, Tỉnh Đoàn sẽ chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đoàn cấp cơ sở; tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn đi học nâng cao trình độ, đồng thời chỉ đạo các cơ sở Đoàn lựa chọn vị trí Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn đảm bảo về độ tuổi, trình độ nhằm nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn từ đầu vào, giảm khó cho đầu ra”.

Còn đồng chí Trần Tuấn Lĩnh cho rằng, để giải quyết khó khăn này, các cấp ủy Đảng, Đoàn địa phương cần có lộ trình sử dụng cán bộ Đoàn hợp lý, sắp xếp cán bộ có thời gian luân chuyển nhanh và am hiểu nhiều lĩnh vực. Việc quy hoạch cán bộ không chỉ cho tổ chức Đoàn mà còn cho các tổ chức chính trị-xã hội khác. Đồng thời, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn về trình độ chuyên môn, qua thực tiễn phong trào để cán bộ Đoàn trưởng thành toàn diện, tránh tình trạng làm cán bộ Đoàn thì giỏi nhưng đến tuổi trưởng thành lại không biết bố trí vào đâu vì thiếu bằng cấp và trình độ chuyên môn không phù hợp.

Theo Quyết định số 289 ngày 8-2-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành “Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, cán bộ Đoàn cấp xã, phường, thị trấn giữ chức vụ phải không quá 35 tuổi. Đối với các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách, trình độ văn hóa nói chung từ tốt nghiệp THPT trở lên, đã được bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị sơ cấp, giữ chức vụ không quá 37 tuổi.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.