Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV: Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược

Thứ Hai, 22/10/2018, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

* Chính thức giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước

Sáng 22-10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Dự kiến diễn ra từ ngày 22-10 đến 21-11, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao, công tác nhân sự và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.

KỲ HỌP CÓ NHIỀU NỘI DUNG ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều  nội dung quan trọng.

Bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 Nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.

Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại kỳ họp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại kỳ họp.

THẾ VÀ LỰC CỦA NƯỚC TA ĐÃ LỚN MẠNH HƠN RẤT NHIỀU

Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020). Báo cáo nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta năm 2018 đã đạt được một số kết quả nhất định, nhất là trong việc đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế:

Thứ nhất, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, tập trung vào các trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Tính đến năm 2018, nhiều quyết sách quan trọng của Đảng có tính đột phá về thể chế được thông qua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cả mặt nhận thức và cách thức hành động của bộ máy nhà nước về các vấn đề cốt yếu của nền kinh tế, như: thể chế; doanh nghiệp nhà nước; khu vực kinh tế tư nhân; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao; sắp xếp cán bộ cấp xã, phường; cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội;... Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều quy định, quyết định về các chính sách quan trọng hỗ trợ cho các đột phá của nền kinh tế, từng bước hình thành khung thể chế cho các hoạt động đổi mới, bao gồm cả cải cách bộ máy nhà nước. Tập trung hoàn thiện các dự án Luật, trọng tâm là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Đầu tư công (sửa đổi); sửa đổi các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành,… Bên cạnh đó, công tác xây dựng các dự án luật được thực hiện khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, đồng bộ, khả thi.

Thứ hai, tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Tính đến năm 2018, nhiều công trình hạ tầng mang tính kết nối đồng bộ được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động kinh tế, tăng cường liên kết vùng. Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo kế hoạch đề ra, tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm, hoàn thành và đưa vào khai thác một số công trình. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng thủy lợi, theo hướng đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thúc đẩy phát triển nông nghiệp,... Quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị, nhất là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp,... đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hiện cả nước có khoảng 819 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa cả năm ước đạt 38,4%, tăng khoảng 0,9% so với năm 2017 (37,5%). Hạ tầng năng lượng, nhất là hạ tầng điện từng bước được hiện đại, đã đầu tư tăng thêm năng lực cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, gắn liền với kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng thương mại; hạ tầng thông tin; hạ tầng y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thể thao và du lịch;... từng bước đảm bảo kết nối đồng bộ và hiện đại, tăng khả năng tiếp cận của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, quy mô nhân lực cả nước tiếp tục được nâng lên, chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tính đến hết năm 2018, tổng số nhân lực trong nền kinh tế ước đạt 55,4 triệu người, tăng 1,05% so với năm 2017; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khoảng 58,6%, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ khoảng 23-23,5%, đạt mục tiêu Quốc hội giao. Nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nhân lực đối với sự phát triển của quốc gia ngày càng được nâng cao. Công tác đào tạo nhân lực đã có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nỗ lực đẩy mạnh 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 nói riêng và những kết quả đã đạt được trong năm 2018 nói chung là minh chứng thuyết phục khẳng định sự nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ trong những năm qua là đúng đắn, hiệu quả. Qua đó, tạo được niềm tin vững chắc, lan tỏa trong toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính thức giới thiệu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước

Chiều 22-10, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Căn cứ Điều 74 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013; Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội; Điểm 4 Nghị quyết số 34 ngày 6/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, UBTVQH trân trọng giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao, giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo chương trình, ngày 23-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Nội dung thảo luận phải được lập biên bản và gửi đến Ban Công tác đại biểu ngay sau khi kết thúc thảo luận. Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử và tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước được công bố vào chiều cùng ngày. Theo quy định, sau khi được bầu, Chủ tịch nước tuyên thệ và phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.

Theo TTXVN

;
.