.

Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2018

Cập nhật: 17:34, 30/09/2018 (GMT+7)

Tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên trung học

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, 5 tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên trung học bao gồm: Phẩm chất nhà giáo; Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10-10-2018, thay thế Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22-10-2009 và Quyết định 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 4-5-2007.

Quy định mới về công nhận trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn Quốc gia đối với trường mầm non, theo đó:

Điều kiện công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục: Hoạt động giáo dục ít nhất 5 năm; Có kết quả đánh giá ngoài đạt từ mức 1 trở lên theo quy định tại Mục 1 Chương II của Quy định ban hành kèm theo Thông tư (sau đây gọi là quy định). Cấp độ công nhận: Cấp độ 1: Đạt mức 1 theo quy định; Cấp độ 2: Đạt mức 2 theo quy định; Cấp độ 3: Đạt mức 3 theo Quy định; Cấp độ 4: Đạt mức 4 theo quy định.

Các trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, 2, 3 theo Thông tư 25/2014/TT-BGDĐT tương đương trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, 2, 3 quy định này.

Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 10-10-2018, thay thế Thông tư 25/2014/TT-BGDĐT ngày 7-8-2014 và Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 8-2-2014.

Tiêu chuẩn giáo viên giảng dạy tại trung tâm ngoại ngữ

Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học. Theo đó, giáo viên giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng các điều kiện sau:

Giáo viên là người Việt Nam đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể): Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp. 

Giáo viên là người nước ngoài đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp; Có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.

Giáo viên là người Việt Nam đủ điều kiện dạy tại các trung tâm ngoại ngữ yêu cầu phải có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên. Trong ảnh: Một giờ học tại Trung tâm Anh ngữ ABC4Kids (số 90, Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu). Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Giáo viên là người Việt Nam đủ điều kiện dạy tại các trung tâm ngoại ngữ yêu cầu phải có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên.
Trong ảnh: Một giờ học tại Trung tâm Anh ngữ ABC4Kids (số 90, Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu). Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10-10-2018, thay thế Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT ngày 28-1-2011.

Không quy định mức tối đa với khoản chi cụ thể để biên soạn giáo trình đại học

Ngày 17-8-2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 76/2018/TT-BTC hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Thông tư 76 không quy định mức chi tối đa đối với các khoản chi cụ thể để biên soạn giáo trình đại học, giáo dục nghề nghiệp như quy định hiện hành. Căn cứ nguồn kinh phí của đơn vị, thủ trưởng đơn vị quyết định việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học (bao gồm xây dựng mới, chỉnh sửa, bổ sung) bảo đảm phù hợp.

Thông tư 76/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 3-10-2018, thay thế Thông tư 123/2009/TT-BTC ngày 17-6-2009.

Sửa đổi hàng loạt quy định về đăng ký doanh nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi nhiều quy định về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, đơn cử: Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị ĐKDN, thông báo thay đổi nội dung ĐKDN, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ ĐKDN; Doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung ĐKDN, thông báo thay đổi nội dung ĐKDN khác, trừ trường hợp đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật; Bổ sung quy định cụ thể về đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Doanh nghiệp không nhất thiết phải lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh…

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 10-10-2018.

Trường hợp xuất khẩu gạo không cần giấy phép

Theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-10-2018) thì thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng thì: Không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh; Được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Không phải thực hiện dự trữ lưu thông.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân thuộc đối tượng này chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan một trong các tài liệu sau: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc Chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định.

Điều chỉnh thẩm quyền kiểm tra thức ăn chăn nuôi, thủy sản trước thông quan

Đây là nội dung chính của Quyết định 3346/QĐ-BNN-TCCB được ban hành ngày 23-8-2018.

Theo đó, thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trước thông quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT được quy định như sau: Thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc thực vật được kiểm dịch đồng thời kiểm tra bởi Cục Bảo vệ thực vật; Thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật được kiểm dịch đồng thời kiểm tra bởi Cục Thú y; Kén tằm, côn trùng được kiểm dịch bởi Cục Bảo vệ thực vật.

Quyết định 3346/QĐ-BNN-TCCB có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2018.

Đơn giản thủ tục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu

Ngày 14-8-2018, Bộ TN-MT ban hành Thông tư 03/2018/TT-BTNMT sửa đổi quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Trong đó, một số quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường (BVMT) trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cụ thể: Bãi bỏ bớt thành phần hồ sơ; Giảm số lượng tài liệu trong thành phần hồ sơ; Việc nộp hồ sơ được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; Trường hợp hệ thống xử lý chuyên ngành chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN thì tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính. Tăng thời hạn của Giấy xác nhận từ 2 năm lên 3 năm, tính kể từ ngày cấp.

Thông tư 03/2018/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 1-10-2018.

ĐỨC ANH
(Tổng hợp)

.
.
.