Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân
Bài “Đạo đức cách mạng” viết năm 1958 là bài viết quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân. 60 năm đã trôi qua, hôm nay đọc lại bài viết của Người, chúng ta càng thấy giá trị tư tưởng và nhân văn, giá trị hiện thực, ý nghĩa giáo dục và tính thời sự rất to lớn của vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân.
Gần dân, mẫu mực trong quan hệ ứng xử với nhân dân cũng là cách để chống chủ nghĩa cá nhân.
Trong ảnh: Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh hướng dẫn người dân viết hồ sơ hành chính.
|
Bác Hồ đặt vấn đề phải chống chủ nghĩa cá nhân xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn lịch sử của cách mạng nước ta. Năm 1958, ở miền Bắc, ta đã căn bản hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 - 1961) khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ở miền Nam, cách mạng đang gặp nhiều gian khổ, hy sinh. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa cá nhân có dịp thuận lợi để phát triển trong một số CBĐV, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Chủ nghĩa cá nhân là một trong ba kẻ địch nguy hiểm của người cách mạng. Bác vạch rõ: “Kẻ địch gồm ba loại. Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là một kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ... Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”. Và Bác nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng, xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”.
Chủ nghĩa cá nhân có những biểu hiện rất đa dạng, lúc tinh vi, kín đáo, lúc lộ liễu, trắng trợn. Chung quy, chủ nghĩa cá nhân có ba biểu hiện chính yếu dưới đây.
Chủ nghĩa cá nhân là đòi hưởng thụ, đòi thỏa mãn ham muốn cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút, họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Bác Hồ còn chỉ rõ thêm về những ham muốn hưởng thụ của chủ nghĩa cá nhân: “Vì chưa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi (...) và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng”.
Chủ nghĩa cá nhân là thái độ kiêu ngạo, công thần. Bác viết: “... Có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”.
Bác viết tiếp: “Họ tự xem mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”.
Chủ nghĩa cá nhân là hành động tự do, vô tổ chức. Bác nêu rõ: “...Chủ nghĩa cá nhân đã đưa các đồng chí ấy đến chỗ “tự do hành động” trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng. Dù muốn hay không muốn, hành động của những đồng chí ấy làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, ngăn trở bước tiến của cách mạng”.
Hồ Chủ tịch còn vạch rõ những tác hại của chủ nghĩa cá nhân. Một là, chủ nghĩa cá nhân làm cho “một số CBĐV xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”. Hai là, nó làm cho một số CBĐV thoái hóa, lạc hậu: “Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”. Ba là, chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân.
Và Bác nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.
Bác chỉ rõ: Muốn trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, mỗi CBĐV phải trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Bác viết: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân xuất phát từ cội rễ lòng yêu nước, thương dân khôn cùng và tinh thần cách mạng triệt để của Người, từ đó phải đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng - mà trước hết là làm cho tư tưởng, đạo đức, lối sống của mỗi CBĐV phải đúng đắn, trong sạch. Cuộc đời của Bác là mẫu mực tuyệt vời của đạo đức cao đẹp cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân!
Vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cách đây 6 thập niên, soi chiếu với tình hình đất nước hiện nay, vẫn đang nóng hổi tính thời sự. Vì thế, Đảng ta càng quan tâm vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là một yêu cầu bức thiết của đất nước, của nhân dân và thời đại. Biểu hiện rõ nhất là hai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã nêu ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, suy cho cùng, cũng là nhằm chống chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm, là “kẻ địch bên trong” của người cách mạng. Người nói: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”. Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chân lý sáng ngời của mọi thời đại.
ĐÀO NGỌC ĐỆ