Mùa thu lịch sử năm 1945, Cách mạng Tháng Tám vĩ đại thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi này gắn trực tiếp với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn với mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945.
|
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng khắp, chớp thời cơ, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”.
Cùng với lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, lời kêu gọi của Bác như “hịch non sông” thúc giục lòng người dân ra trận. Với tinh thần “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, chỉ từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền toàn quốc về tay nhân dân. Đây là cuộc khởi nghĩa sáng tạo tầm cỡ thời đại, đã vận dụng quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ của Đảng và Bác Hồ.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả rực rỡ và cũng là biểu hiện sinh động của sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở nước ta là: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở đầu trang sử hiện đại của dân tộc Việt Nam: Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) rợp bóng cờ, hoa, trước hàng chục vạn người dân Việt và trước toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và trịnh trọng tuyên bố “khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Điều này đã tạo thành một làn sóng lan truyền khắp Đông Dương, châu Á, châu Âu và đến cả châu Phi, châu Mỹ la tinh xa xôi rằng: “Dân tộc nào cũng có quyền tự quyết, có quyền hưởng tự do, quyền bình đẳng như nhau, đó là chân lý không gì có thể chối bỏ được”. Việt Nam từ một xứ sở ít ai biết đến, không có tên trên bản đồ thế giới, thành một thành viên có uy tín của lực lượng cách mạng thế giới và cộng đồng quốc tế. Từ đây, bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong bài báo “Vì một nền hòa bình bền vững, vì một nền dân chủ nhân dân”, Hồ Chủ tịch viết: “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách, khó khăn không thể tưởng tượng được… Nhân dân Pháp và tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã có sự ủng hộ rất quý báu đối với chúng tôi… Nước Cộng hòa Dân chủ đã giành được một thắng lợi tất nhiên vì đó là thắng lợi của những người bị áp bức đối với kẻ áp bức, thắng lợi của tự do đối với nô lệ”. Và trong bài viết “Mồng 2 tháng 9 năm 1945”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Bác đã trở về ra mắt một triệu đồng bào. Sự kiện lịch sử này mới hôm nào còn ở trong ước mơ”.
Tuyên ngôn độc lập Hồ Chủ tịch đọc ngày 2-9-1945, đã thể hiện giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người, là sự kết tinh những giá trị nhân văn của nhân loại. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự là giai đoạn đầu tiên mở đầu cho làn sóng xóa bỏ chế độ thuộc địa ở châu Á, tiếp theo là châu Phi vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cùng với thời gian, những giá trị của Tuyên ngôn độc lập càng được khẳng định vì nó chứa đựng những khát vọng của cả nhân loại.
Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước: Kỷ nguyên của độc lập, tự do. Tuyên ngôn độc lập cũng là một áng văn lập quốc vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một Nhà nước mới. Đó là văn bản pháp lý khẳng định thành lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là tư tưởng chủ đạo, tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa đấu tranh để giành độc lập, tự do cho nhân dân.
Lịch sử đã sang trang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tư tưởng Hồ Chí Minh với chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lòng yêu nước của nhân dân ta đã được thổi bùng lên thành sức mạnh thần kỳ trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, đem lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam đã biến một thời kỳ lịch sử thành huyền thoại.
Kỷ niệm Tết độc lập lần thứ 73, tự hào về lịch sử hào hùng, chúng ta cũng tỉnh táo nhận thức rõ những nguy cơ, thách thức mới đối với sự phát triển và con đường đi lên của dân tộc Việt Nam. Chúng ta tin tưởng rằng nền tảng văn hiến và lịch sử hào hùng mấy ngàn năm, dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định dân tộc ta sẽ xây dựng thành công nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới, đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Sự nghiệp cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt sẽ tiếp tục khai hoa kết quả, trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra và dẫn dắt dân tộc trong hơn nửa thế kỷ vừa qua”.
ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG
(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh)