KỶ NIỆM 73 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19-8-1945 – 19-8-2018) VÀ QUỐC KHÁNH 2-9

Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết

Thứ Sáu, 17/08/2018, 09:53 [GMT+7]
In bài này
.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 19-8-1945, nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 19-8-1945, nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Ảnh: TƯ LIỆU

Tháng 8-1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện, khi Nhật Bản chuẩn bị đầu hàng Đồng Minh (Đồng Minh bao gồm cả Việt Minh), còn thực dân Pháp đã bị Nhật đảo chính vào tháng 3-1945, trong khi chính phủ Bảo Đại thực chất là một chính phủ bù nhìn. Do đó, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan để cuộc tổng khởi nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi. Theo đó, Đảng phải kịp thời quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. 

Lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, Lời kêu gọi đồng bào cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta!”. Lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng cùng lời kêu gọi của Bác Hồ như “Hịch non sông” thúc giục lòng dân ra trận. Ngày 19-8 trong khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông và làm chủ Mãn Châu thì tại Hà Nội, cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Chỉ từ ngày 14 đến 28-8-1945, Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã thắng lợi hoàn toàn trên cả nước, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền về tay nhân dân. 

Đây là cuộc khởi nghĩa sáng tạo tầm cỡ thời đại, đã vận dụng quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ của Đảng và Bác Hồ. Việc chọn đúng thời cơ Tổng khởi nghĩa cho thấy Đảng bao giờ cũng đặt cách mạng Việt Nam trong tình hình chung của thế giới, biến thuận lợi thế giới thành sức mạnh trong nước. 

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, trong khi tại Tokyo, Nhật Bản chính thức ký các văn kiện chấp nhận đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện thì tại Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (DCCH) - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 

Với bản Tuyên ngôn độc lập, với chính quyền mới, nhân dân Việt Nam có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, đứng trên cương vị “chủ nhân của nước Việt Nam DCCH” ngẩng cao đầu tiếp đón quân đội các nước vào giải giáp quân Nhật theo sự phân công của các lực lượng Đồng Minh chống phát xít. 

Đối với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết Tuyên ngôn độc lập phải trực tiếp bảo vệ thành quả đầu tiên nhưng quan trọng nhất là “Vấn đề chính quyền” của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nó không những tạo ra cho Chính phủ lâm thời vị thế chủ nhà trước khi quân Đồng Minh kéo vào, mà còn cảnh báo, ngăn ngừa từ xa mọi mưu đồ lợi dụng chiêu bài giải giáp quân Nhật để thủ tiêu các thành quả của cách mạng. Điều đặc biệt, bản Tuyên ngôn độc lập lại được phát ngôn trước toàn thể thế giới bởi vị chủ tịch của một quốc gia hoàn toàn mới, do đó tiếng vang của nó lan rộng ra khắp năm châu. 

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, khát vọng tự do, độc lập đã nhiều lần được tuyên ngôn như một ý chí bất khuất của dân tộc ta. Tuyên ngôn độc lập vì vậy cũng là lời tuyên chiến với những thế lực đã, đang và sẽ cản trở dân tộc ta hiện thực hóa khát vọng thiêng liêng từ ngàn đời của mình. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. Nó đã vượt qua khuôn khổ của một định hướng chính trị đơn thuần để trở thành một văn kiện pháp lý tầm cỡ quốc tế. 

Với tầm nhìn xa, trông rộng của một lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động dự báo chiến lược trong các quyết sách chính trị trọng đại rằng: Dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã quá rõ và một thế lực mới nổi nhưng đã bộc lộ rất nhiều tham vọng là Mỹ, vô luận thế nào thì tất cả các thế lực đó đều đang khoác áo Đồng Minh, do đó việc phân hóa, tranh thủ sự giúp đỡ của họ là việc nên làm và có thể. 

Gần như ngay sau khi Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi, chính giới Pháp cũng bắt đầu phân hóa thành hai phe đối lập trong quan điểm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bài học này chưa bao giờ cũ trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương nhằm gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay, đúng như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần XII nêu: “… thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. 

Cùng với hơn 90 triệu người dân ở trong nước và hơn 6 triệu kiều bào đang sinh sống trên khắp thế giới, Đảng ta đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết và thu hút các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước với phương châm giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Nhờ huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và đường lối chiến lược chính trị vững vàng, uyển chuyển cho phù hợp tình hình thời cuộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cách mạng nước ta đã vượt qua thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc”, ra sức chống giặc đói, giặc dốt và thù trong, giặc ngoài ngay sau Cách mạng tháng Tám và tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước. 

Đã 73 năm trôi qua, chúng ta tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mac-Lenin, nhất định dân tộc ta sẽ xây dựng thành công nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. 

ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG
(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh BR-VT)

;
.