Tất cả vì nhân dân
Triết lý và phương châm trong tư duy cũng như hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn luôn tin ở dân, dựa vào dân “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”.
Đoàn viên, thanh niên Sở Y tế khám bệnh miễn phí cho người dân xã Kim Long, huyện Châu Đức. Ảnh: MINH NHÂN |
Quần chúng nhân dân là chủ thể của lịch sử, là người sáng tạo ra lịch sử, vì vậy cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng nhân dân. Lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn quan niệm: Dân là gốc rễ, là nền tảng của nước, dân là gốc và là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Người luôn căn dặn “Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Nhưng nhân dân chỉ làm tròn sứ mệnh lịch sử khi được Đảng tập hợp, giác ngộ, hướng dẫn hành động “phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu… phải bày sách lược cho dân”. Người nói: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê… Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm” và bổn phận của Đảng là “làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày”. Nhân dân có những nhu cầu chính đáng: Được giải phóng khỏi ách đế quốc, thực dân, phong kiến; được hưởng những lợi ích kinh tế, văn hóa, tinh thần. Nhưng chỉ khi “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được”, ngược lại “Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Người dặn: Đảng, Chính phủ muốn phát huy sức mạnh của nhân dân không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, tổ chức, giác ngộ, mà còn phải biết khoan thư sức dân, phải “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành”.
Nguyên lý và phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Để nhân dân có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thì Đảng và Nhà nước phải biết khai thác, phát huy tối đa nguồn lực trong dân để phục vụ dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Người nói: Trong dân có những nguồn lực rất to lớn về vật chất, tài chính; Nguồn lực sức lao động; Nguồn lực trí tuệ, nhân tài… Việc huy động các nguồn lực đó chính là “chiếc chìa khóa vạn năng” nhằm giải quyết mọi khó khăn cho đồng bào, cho cách mạng. Ngay sau khi dành được độc lập, Người huy động tiền của dân để chống hạn cho dân; Kêu gọi cả làng “chung gạo nuôi thầy giáo” để diệt “giặc dốt” cho dân; Kêu gọi “sẻ cơm, nhường áo” để đẩy lùi nạn đói cho dân; Tổ chức “Ngày đồng tâm”, “Tuần đồng tâm”, “Tháng đồng tâm” để nhân dân giúp nhau về vật chất giải quyết những khó khăn. Người ra Sắc lệnh cấm dùng gạo nấu rượu để tiết kiệm tối đa lương thực, dùng số gạo đó đưa đến các địa phương chống giặc đói. Khi cách mạng khó khăn, Người huy động sức dân qua phong trào “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập”, “Quỹ đảm phụ quốc phòng”… người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít giúp Chính phủ giải quyết khó khăn về tài chính. Người phát động phong trào thi đua ái quốc để huy động nguồn nhân lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc “Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua”. Và tất cả già trẻ, gái, trai, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc đều nô nức ra trận để lao động sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác… Người có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, thuyết phục, lôi cuốn nhằm tập hợp tất cả những người tài đức mà không câu nệ người Việt Nam sinh sống ở trong nước hay nước ngoài, làm việc cho chế độ cũ hay chế độ mới, đảng viên hay không đảng viên. Đội ngũ trí thức được Người tập hợp, đào tạo, rèn luyện đã cống hiến hết sức mình và góp phần xứng đáng cho cách mạng. Người đã huy động được tối đa mọi nguồn lực từ dân để đánh đuổi thực dân, đế quốc, tay sai mang lại độc lập, tự do cho toàn dân; Xây dựng CNXH để nhân dân có cuộc sống trong thanh bình, ấm no và hạnh phúc.
“Nhân dân là lực lượng sáng tạo vô cùng, vô tận”. Trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước luôn tuân theo di huấn chiến lược của Người: Vận động, tập hợp, tổ chức, phát huy toàn bộ sức người, sức của, tài năng của dân để làm lợi cho dân. Hôm nay, đất nước đang bước vào thời kỳ chấn hưng và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về khai thác nguồn lực to lớn trong dân để mang lại lợi ích cho dân vẫn mãi mãi là phương châm hành động của Đảng và Nhà nước ta. Làm theo lời Người, trước hết cần nhận thức sâu sắc rằng: Sự nghiệp phát triển đất nước là của nhân dân, do nhân dân và nhân dân sẽ là người được hưởng thụ xứng đáng những thành quả do mình sáng tạo ra. Đảng, Nhà nước thương yêu, tôn trọng và đặt trọn niềm tin ở dân “từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Cần mở rộng dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân quyết, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Để được dân yêu, dân tin, đòi hỏi “Ngoài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng không có lợi ích gì khác”; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ mấy cũng gắng sức làm; việc gì có hại cho dân, dù nhỏ mấy cũng phải hết sức tránh”.
Trong bối cảnh hiện nay, huy động sức dân phải dựa trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và phải được sự đồng thuận, tự nguyện, tự giác của dân. Trước khi huy động nguồn lực, cần chủ động tạo công ăn, việc làm cho dân; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân làm giàu chính đáng. Điều quan trọng nữa là phải thật sự quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống của dân “Dân lấy ăn làm gốc, có thực mới vực được đạo. Nếu bụng đói thì các cô, các chú nói gì hay mấy cũng không ai nghe”.
NGUYỄN QUANG PHI