Ngày 10-8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo tại phiên họp. |
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp cùng Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự thảo Luật. Còn nội dung về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57), do vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội thông qua. Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án báo cáo về 3 phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) như sau: Phương án 1: phương án thu thuế; Phương án 2: xử phạt hành chính; Phương án 3: xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự.
Về phương án 1, Chủ nhiểm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ưu điểm của phương án này là thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, nhược điểm của phương án này là chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch; đồng thời, việc quy định thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình cũng chưa có căn cứ hợp lý.
Về phương án 2, theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga ưu điểm của phương án này là bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhược điểm của phương án này là mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Mặt khác, quy định mức phạt 45% giá trị của tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai cũng chưa có căn cứ và không phù hợp với mức xử phạt hành chính của pháp luật hiện hành.
Về phương án 3, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga chỉ ra rằng, theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án. Phương án 3 cũng thể hiện được nhiều ưu điểm rõ rệt; đồng thời, bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án thấy rằng phương án 2 có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. Đối với phương án 1 và phương án 3, đề nghị lựa chọn phương án 3 là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại Tòa án; bổ sung quy định để giải thích khái niệm “giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm”.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng 3 phương án được đề xuất cũng chưa thật sự có căn cứ đầy đủ; đề nghị Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án cần phải quan tâm nhiều đến tính khả thi của dự thảo Luật khi áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.
Đánh giá cao ý chí, quyết tâm của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tuy nhiên chưa thật sự đồng tình với phương án nào trong 3 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, những quy định của dự thảo Luật phải thật chặt chẽ, đầy đủ căn cứ; không chỉ thực hiện mục tiêu chống tham nhũng mà còn thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển đất nước. Theo Phó Chủ tịch, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều dùng công cụ thuế để kiểm soát và phòng chống tham nhũng, từ kê khai tài sản đến kiểm soát thu nhập. Do đó, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị cần củng cố hệ thống thuế, đi sâu vào lĩnh vực thuế thu nhập, có cơ quan kiểm tra thuế; kiểm soát thông qua thanh toán không dùng tiền mặt mọi giao dịch, tài sản; còn nếu tài sản được chứng minh là có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng thì tịch thu 100%.
HỒ HƯƠNG