.

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử ATK Định Hóa

Cập nhật: 14:38, 18/07/2018 (GMT+7)

Cùng sứ mệnh lịch sử với Tân Trào (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn) giai đoạn 1946-1954, huyện Định Hoá (Thái Nguyên) được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm Liên vùng chiến khu cách mạng. Và trở thành địa chỉ đỏ cho du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập, đặc biệt là với các thế hệ trẻ người Việt Nam.

Du khách tham quan Di tích lán Tỉn Keo ở xã Phú Đình (Định Hóa), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ảnh N.N
Du khách tham quan Di tích lán Tỉn Keo ở xã Phú Đình (Định Hóa), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ảnh N.N

NƠI LƯU DẤU ẤN LỊCH SỬ

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại An toàn khu (ATK) Định Hoá, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến.

Tại đây, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước đã ra đời. Đặc biệt ngày 6-12-1953, ở mái lán Tỉn Keo (Phú Đình), Bộ Chính trị đã họp, ban hành Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Để bây giờ mỗi tên làng, tên núi và bao con người trên miền đất ATK Định Hoá được lưu danh thiên sử với hơn 130 điểm di tích, trong đó có 20 di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Và từ năm 2012, Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hoá được Đảng, Nhà nước xếp hạng là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ông Đồng Khắc Thọ, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử  - Sinh thái ATK Định Hóa tâm đắc: Đảng, Nhà nước khẳng định, cùng với Pắc Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK (Định Hoá, Thái Nguyên) là một quần thể quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Một vùng Thủ đô kháng chiến có ý nghĩa và giá trị trên nhiều măt. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử cách mạng “Chiến khu Việt Bắc” là nhằm giáo dục các thế hệ về truyền thống lịch sử, cách mạng và kháng chiến của dân tộc ta. Từ ý nghĩa đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích.

Kháng chiến thành công, các di tích trên vùng đất cách mạng ATK Định Hoá trở thành nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ cho ngành công nghiệp không khói phát triển. Trở thành điểm hành hương về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc huyện Định Hoá nói riêng và cả nước nói chung.

Theo dòng chảy thời gian, Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá ngày càng thu hút được sự quan tâm, chú ý của du khách trong, ngoài nước. Từ chỗ các di tích chỉ là tiềm năng, nhưng kể từ sau khi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, mỗi năm Ban Quản lý Di tích đón tiếp gần 3.000 đoàn khách trong nước, quốc tế, với gần 70.000lượt người/năm.

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM DI TÍCH

Xác định rõ tầm quan trọng của Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá, các cấp, ngành chức năng của tỉnh và nhà đầu tư luôn có sự quan tâm, coi trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Minh chứng là trên vùng đất cách mạng ATK Định Hoá ngày càng có nhiều công trình, nhiều di tích được xây dựng, tái tạo bảo tồn.

Ngoài Nhà trưng bày ATK - Tổ hợp trưng bày gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, sa bàn tái hiện không gian thủ đô kháng chiến, Đảng, Nhà nước còn đầu tư xây dựng nhiều các công trình mang ý nghía chính trị lớn và các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân, du khách. Điển hình phải kể đến Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở đỉnh đèo De. Đây là món quà trân quý, nặng nghĩa của Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá.

Ông Nguyễn Văn Nương, Phó Trưởng Ban điều hành Ban Quản lý Di tích tự hào: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là nơi để “con Rồng, cháu tiên” trên mọi miền đất nước về dâng hương tưởng niệm, báo công với Người, mà còn là nơi được nhiều Đảng bộ, chi bộ thuộc các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước về gióng trống, chiêng, dâng hương báo công với anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức nghi lễ kết nạp đảng viên mới; lễ cấp phát bằng tốt nghiệp các lớp trung cấp, cao cấp chính trị.

Trong những năm gần đây, bằng nguồn xã hội hoá, Ban Quản lý Di tích đã xây dựng được nhà đón tiếp dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình phụ trợ, trang thiết bị cho Trạm y tế - Cứu hộ ATK, với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Và để di tích ngày càng phát huy cao giá trị trong đời sống xã hội, Ban Quản lý Di tích thường xuyên có nhiều các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, triển lãm hình ảnh Khu di tích đến nhân dân và du khách.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử ATK nói chung, Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá nói riêng, ngày 7-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng liên vùng chiến khu cách mạng ATK Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030; Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 6-8-2013 về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng trung tâm ATK Định Hoá tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2020.

Để cụ thể hoá việc thực hiện các quyết định này, từ tháng 2-2018, tỉnh Thái Nguyên đã lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia ATK Định Hoá gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên đến năm 2030.

Mục tiêu của quy hoạch là nhằm làm cơ sở khai thác các điểm tham quan di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh của khu vực trở thành điểm hành hương về nguồn. Xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử của tỉnh và vùng Việt Bắc. 

Theo đó, tổng diện tích lập quy hoạch là 197 ha, gồm 5 khu vực lập quy hoạch là các xã thuộc Định Hóa: Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên, Bảo Linh và thị trấn Chợ Chu.

PHẠM NGỌC
(Theo Báo Thái Nguyên)

 

 

.
.
.