Trong khuôn khổ làm việc của Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khá sôi nổi trong ngày làm việc thứ 3, từ nửa buổi sáng đến hết ngày 20-7. Trong đó, các đại biểu đã chất vấn khá sâu các vấn đề liên quan đến tài sản công.
Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh trong thời gian tới |
CHƯA PHÁT HUY HẾT HIỆU QUẢ CÁC TTGDTX
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Vương Thị Dung đặt vấn đề: Hiện nay, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tại các địa phương hoạt động không hiệu quả, số lượng học sinh ít nhưng cơ sở vật chất được xây dựng quy mô lớn, dư thừa nhiều phòng học. Một số máy móc, thiết bị dạy nghề được trang bị nhưng không sử dụng, gây lãng phí. Vậy ngành GD-ĐT có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTGDTX trong thời gian tới? Vì sao các thiết bị dạy nghề đến nay vẫn chưa được xử lý?
ĐB Vương Thị Dung, chất vấn các vấn đề liên quan đến lãng phí tài sản công trong ngành giáo dục. |
Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, việc nhận định các TTGDTX lãng phí là chưa sát với tình hình. Người đứng đầu ngành GD-ĐT địa phương lý giải: TTGDTX là cơ sở giáo dục không chính quy, nên việc dạy không như ở trường phổ thông. Các trung tâm vừa thực hiện chức năng phổ cập giáo dục, vừa dạy cho các đối tượng, mở các lớp tập huấn, liên kết đào tạo. Hiện nay, chỉ còn TTGDTX huyện Long Điền là chưa khai thác hết công năng, tuy nhiên địa phương đã bố trí Trường Chính trị vào hoạt động tại đây. Sắp tới, Sở GD-ĐT cũng tham mưu UBND tỉnh nhập chung TTGDTX huyện Long Điền và Đất Đỏ để tránh lãng phí nguồn lực.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời chất vấn. |
Liên quan đến tình trạng nhiều máy móc, thiết bị dạy nghề được trang bị nhưng không sử dụng hết, gây lãng phí, ông Nguyễn Thanh Giang cho rằng, trước đây khi xây dựng hoặc mua sắm trang thiết bị trường học, Sở GD-ĐT không tham gia. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD-ĐT nhận lỗi về sự thiếu phối hợp giữa ngành GD-ĐT, LĐTBXH và các địa phương.
NHIỀU DI TÍCH BỊ XÂM CHIẾM TRÁI PHÉP, XUỐNG CẤP
ĐB Lê Thị Nga nêu vấn đề: Hiện nay công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh có nhiều bất cập, hạn chế. Nổi cộm là các khu di tích Bạch Dinh, Thích Ca Phật Đài, Trận địa pháo cổ thuộc địa bàn TP.Vũng Tàu xuống cấp, lại bị người dân xây dựng lấn chiếm, kinh doanh trái phép. Đề nghị Sở VH-TT cho biết vì sao tình trạng trên kéo dài nhiều năm qua? Ban VH-XH đã có báo cáo giám sát và kiến nghị từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết? Trách nhiệm của ngành, địa phương như thế nào? Việc đo đạc, khoanh vùng, cắm mốc các di tích đang thực hiện đến đâu? Bao giờ hoàn thành?
Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT đã giải trình và thừa nhận công tác quản lý di tích chưa được sự quan tâm của các ngành, các cấp và địa phương. Năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành tạm thời quy chế quản lý di tích, sau đó có quyết định giao trách nhiệm cho Sở VHTT quản lý những di tích trong yếu và phân cấp cho từng địa phương quản lý một số di tích. Nhưng quá trình thực hiện chưa sâu sát; quá trình quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ các di tích có nhiều khó khăn. Căn cứ tình hình thực tế và quy định hiện hành về đầu tư xây dựng và quản lý di tích, Sở VH-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định chính thức về quản lý di tích, quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Sở cũng đã tổ chức tập huấn cho các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện; tập huấn về công tác kiểm kê di tích để thực hiện trong thời gian tới.
Về việc đo đạc, khoanh vùng, cắm mốc các di tích, ông Nguyễn Đình Trung cho biết: Riêng địa bàn huyện Côn Đảo, hiện nay các thủ tục đầu tư đã thực hiện xong, công tác đo đạc và cắm mốc đang được thực hiện. Tuy nhiên, quá trình từ khoanh vùng đo đạc đến cắm mốc rất khó khăn. Do trở ngại về không gian và phương tiện đi lại giữa đất liền với Côn Đảo, nên phải mắt khá nhiều thời gian (kéo dài 4-5 năm) mới triển khai được thủ tục cắm mốc, dẫn đến sự sai lệch. Sở VH-TT đã đề nghị Phòng TNMT huyện Côn Đảo hỗ trợ tích cực các đơn vị thi công cắm mốc. Trong đất liền, đầu năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt các hồ sơ về khoang vùng, đo đạc. Theo cam kết của đơn vị thực hiện sẽ hoàn thành công tác đo đạc cuối năm 2018.
ĐB Lâm Lệ Vân tiếp tục chất vấn lãnh đạo Sở VH-TT: Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành phần xây dựng và ban giao cho Sở VH-TT từ tháng 5-2016 nhưng đến nay vẫn chưa được trưng bày để đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và các hiện vật hư hỏng, xuống cấp, không được bảo quản đúng quy định. Đề nghị Sở VH-TT cho biết, vì sao đến nay Bảo tàng tỉnh chưa được trưng bày và đưa vào hoạt động? Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Nguyễn Đình Trung trả lời: Bảo tàng tỉnh là dự án đã kéo dài từ năm 1996. Đến năm 2008, dự án này được bàn giao cho Sở VH-TT. Tháng 5-2016 dự án mới hoàn thành. Từ năm 2013, Sở đã tổ chức cuộc thi ý tưởng trưng bày, đến tháng 10-2016 thì đồ án thiết kế trưng bày mới được phê duyệt. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo Sở VH-TT (thay đổi 4 lần). Việc tiếp cận hồ sơ, báo cáo các cấp lãnh đạo mất nhiều thời gian. Ngoài ra, do vướng mắc giữa Luật Đầu tư công cũ và mới, nên thời gian xử lý mất nhiều thời gian. Đến nay, thiết kế dự toán phần trưng bày nội thất đã được phê duyệt, Sở VH-TT cũng đã hoàn thành công tác tổ chức đấu thầu. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong tháng 7 này và hoàn thành trong vòng 12 tháng.
NHIỀU DỰ ÁN XÂY DỰNG KHÔNG ĐÚNG QUY HOẠCH
Liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng, ĐB Nguyễn Công Danh chất vấn: Hiện nay một số dự án trên địa bàn tỉnh xây dựng không đúng theo đồ án quy hoạch được phê duyệt như: khoảng lùi của tòa nhà không bảo đảm an toàn, xây dựng vượt số tầng cho phép… Đề nghị Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân của những tồn tại trên và giải pháp khắc phục công tác quản lý quy hoạch trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Công Danh, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn về vấn đề các dự án xây dựng sai quy hoạch. |
Giải trình về vấn đề này, ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận, hiện nay có một số dự án trên địa bàn tỉnh xây dựng không đúng theo đồ án quy hoạch. Ví dụ như: dự án Vũng Tàu Melody do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư có khoảng lùi tại vị trí nhỏ nhất là 4,5m, không bảo đảm theo quy định tối thiểu 6m; Dự án Vũng Tàu Plaza do Công ty CP Thương mại Du Lịch Vũng Tàu - Sài Gòn làm chủ đầu tư vượt chiều cao 2 tầng so với giấy phép xây dựng; Dự án Căn hộ thương mại Sơn Thịnh 3 có chiều cao 20 tầng, cao hơn 8 tầng so với Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu dân cư Nam Sân Bay TP. Vũng Tàu… Ông Võ Văn Dũng cũng thừa nhận, Sở Xây dựng đã sơ suất trong việc cấp phép khoảng lùi không bảo đảm an toàn cho dự án Vũng Tàu Melody do không cập nhật quy định khoảng lùi theo quy định cũ và mới. Đối với các dự án vượt tầng cao cho phép, Sở Xây dựng cũng thừa nhận những thiếu sót trong việc ban hành các quy chế quản lý dự án dẫn đến một số dự án xây vượt tầng cao cho phép.
Về các giải pháp khắc phục, ông Võ Văn Dũng chỉ nêu ra được các vấn đề như là từ 2015-2017, Sở Xây dựng đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch; tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị nâng cao công tác lập quy hoạch và điều chỉnh các dự án khắc phục những bất cập cho cộng đồng; ban hành các quyết định chấn chỉnh công tác quy hoạch... Tuy nhiên, đối các dự án xây quá tầng cao cho phép sẽ xử lý như thế nào, yêu cầu các chủ đầu từ khắc phục ra sao thì giám đốc Sở Xây dựng chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Bài, ảnh: PHAN HÀ - QUANG VŨ