KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2018):

Tình cảm Bác Hồ dành cho thương binh, liệt sĩ

Thứ Tư, 25/07/2018, 16:06 [GMT+7]
In bài này
.

Trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, mọi người đều nhớ đến những người đã đổ một phần xương máu hoặc hy sinh cho đất nước. Và chúng ta cũng không thể nào quên tình cảm, tấm lòng nhân văn cao cả của Bác Hồ dành cho bao thế hệ đã chiến đấu cho lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đến thăm, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất vào chiều 19-7-2018. Ảnh: PHÚC LƯU
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đến thăm, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất vào chiều 19-7-2018. Ảnh: PHÚC LƯU

Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất non sông đất nước. Với tấm lòng nhân văn cộng sản sâu sắc, Bác Hồ đã nhiều lần lau nước mắt, cảm kích, thương tiếc, kính phục trước sự cống hiến, hy sinh, mất mát to lớn đó. Người  rung động đến tận đáy lòng và quặn đau trước nỗi đau của những gia đình đã cống hiến những đứa con yêu quý vì nghĩa lớn: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất đi một đoạn ruột”. Người không thể cầm lòng khi nghĩ về những bậc cha mẹ mất đi những “khúc ruột của mình”, “người vợ thơ trở thành góa phụ, con dại trở nên mồ côi”. Nhiều lần Người thổ lộ từ tấm lòng thành kính nhất: “Thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà”. Không chỉ biết ơn mà Người rất tự hào, bởi khi Tổ quốc, giang sơn lâm nguy, khi sinh mệnh của nhân dân bị uy hiếp trước nạn xâm lăng, thì các thế hệ con Rồng, cháu Tiên đã dũng cảm xông pha ra mặt trận: “Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”. Máu xương của bao thế hệ đổ xuống đã “nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Sự cống hiến hy sinh to lớn đó đã “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi…”.

Đạo lý nhân ái “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc tràn đầy, thấm đẫm trong tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Sự quan tâm của Người rất cụ thể, thiết thực, tràn đầy tình cảm yêu thương và trách nhiệm cao cả. Để có ngày Thương binh- Liệt sĩ như hôm nay, Bác là người khởi xướng và cũng chính Người chọn ngày 27-7-1947 làm ngày thương binh, đến năm 1955 Nhà nước ta đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Người từng là Hội trưởng danh dự “Hội giúp binh sĩ bị thương”, từng nhận tất cả con của liệt sĩ làm con nuôi của mình. Người ký Sắc lệnh ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ; Phát động phong trào “Trần Quốc Toản” để thiếu nhi giúp đỡ thương binh; Phong trào “Đón thương binh về làng” để tất cả xã hội đều phải có trách nhiệm chăm lo đến thương, bệnh binh. Người căn dặn “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã đón một số thương binh. Giúp lâu dài chứ không phải giúp một thời gian” và Người đã chỉ ra cách giúp đỡ thương binh bài bản, cụ thể, căn cơ. Người “kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ” để thắp “Một nén hương thanh, vài lời an ủi”; Dành một tháng lương và nhiều phần quà, tuy đơn sơ nhưng có sức mạnh cổ vũ  tinh thần lớn lao, an ủi những linh hồn người đã khuất, làm ấm lòng thương, bệnh binh và những gia đình đã cống hiến người con yêu quý của mình cho sự nghiệp chung. Người kêu gọi và giao trách nhiệm cho “Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, rằng “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Người thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức các hoạt động chăm sóc thương binh, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trên tinh thần “Phải coi việc giúp đỡ thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải việc làm phúc”. Trước khi đi xa, tình cảm thống thiết, vô bờ bến của Người vẫn dành trọn cho thương binh, gia đình liệt sĩ qua những lời để lại trong Di chúc: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”, “Đối với liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”, “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu là nông thôn thì chính quyền cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Vâng lời và luôn noi theo những việc Bác làm, dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn đến đâu, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn quan tâm, chăm sóc chu đáo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong khả năng cao nhất cả tinh thần lẫn vật chất. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu: Xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ, đi tìm hài cốt liệt sĩ… đã và đang thu hút mọi tầng lớp trong xã hội tham gia. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ngày càng thấm nhuần và không bao giờ quên công ơn trời bể cũng như bổn phận, trách nhiệm và vinh dự được thực hiện di huấn của Bác Hồ, nguyện làm tất cả những gì trong khả năng cho thương binh - liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.