Trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh (CCB), thương, bệnh binh (TBB) trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương BR-VT ngày càng giàu đẹp. Đồng thời, quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia với những đồng đội còn khó khăn.
Đại diện Hội Cựu chiến binh xã Bình Ba (huyện Châu Đức) thăm hỏi, động viên ông Trần Công Xã (bìa trái), ở thôn Suối Lúp, xã Bình Ba.
|
TÍCH CỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Hội (SN 1952, quê ở tỉnh Hà Tĩnh) đã chọn TP.Vũng Tàu làm quê hương thứ hai. Dù sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng ông Hội vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Mới đầu, ông Hội cho thuê ghế, dù ở các bãi tắm, tiếp đó mua đất trồng cây ăn trái, kinh doanh nhà hàng ở xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu). Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định. Cùng với việc kinh doanh, ông Hội cũng luôn quan tâm đến cuộc sống của các đồng đội. Thời gian qua, ông Hội đã giúp đỡ thường xuyên, đột xuất cho hàng chục CCB có hoàn cảnh khó khăn với số tiền từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/người. Ông Hội còn tích cực vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp tài trợ kinh phí để tặng học bổng cho con em CCB.
Tương tự, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Đức (SN 1943, ở xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cũng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Năm 1977, ông Đức từ Quảng Trị vào BR-VT lập nghiệp. Ban đầu, ông Đức tích cóp mua được 6 sào đất để trồng lúa. Bằng ý chí, nghị lực và sự cần cù, chịu khó, đến nay, ông Đức đã mua thêm đất mở rộng diện tích trồng lúa lên 2,1ha, mang lại thu nhập 120-150 triệu đồng/năm. Năm 2005, ông Đức và các CCB trong huyện Châu Đức đã thành lập câu lạc bộ (CLB) CCB giúp nhau làm kinh tế do ông làm chủ nhiệm. Với mô hình này, CLB đã giúp các hội viên vay vốn mua 222 con heo giống, 25 con dê giống và chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt. CLB cũng đã gầy dựng được quỹ tương trợ với số tiền 120 triệu đồng cho hội viên vay để sản xuất, kinh doanh. Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của CLB, nhiều hộ gia đình CCB, thương bệnh binh đã vươn lên thoát nghèo.
Đại diện Hội Cựu Chiến binh xã Sông Xoài (TX. Phú Mỹ) thăm hỏi, động viên thương binh Nguyễn Văn Đa (bìa trái).
|
SẺ CHIA VỚI ĐỒNG ĐỘI
Hiện nay, Hội CCB tỉnh có hơn 16.000 hội viên. Trong giai đoạn 2002-2017, Hội CCB tỉnh đã xây dựng 209 tổ ủy thác vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để giúp 7.939 hộ vay 211 tỷ đồng phát triển kinh tế. Ngoài ra, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng giới thiệu, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 hội viên. Các mô hình “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, “CLB doanh nghiệp CCB”, “CCB giúp nhau làm kinh tế” cũng được các cấp Hội nhân rộng, đạt hiệu quả tích cực.
Ông Mã Thành Sơn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, các CCB, TBB trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình và sẻ chia giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do tỉnh và địa phương phát động luôn được các CCB tích cực hưởng ứng, tham gia. Trong năm 2017, Hội CCB các cấp đã xây tặng 12 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” (trị giá 720 triệu đồng); Tặng hơn 900 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn (trị giá 374 triệu đồng); Ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 700 triệu đồng.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH