KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 – 27-7-2018)

Những thương binh "tàn nhưng không phế"

Thứ Sáu, 20/07/2018, 16:11 [GMT+7]
In bài này
.

Trở về với cuộc sống đời thường mang trên mình vết thương chiến tranh, nhưng những người lính năm xưa vẫn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế. Họ không ngại gian khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO, LÀM GIÀU

Ông Nguyễn Thanh Hòa (SN 1948, ngụ ấp Nhân Trí, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) từng tham gia tiếp nhận vũ khí trên chiến trường BR-VT do những chuyến “tàu không số” vận chuyển vào. Năm 1967, ông Hòa bị thương, phải cắt bỏ chân phải với tỷ lệ thương tật 66% (thương binh hạng 2/4). 10 năm sau, ông xuất ngũ, về lập nghiệp tại địa phương. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, được chính quyền địa phương quan tâm, xây tặng nhà tình nghĩa (năm 1991) và cấp 6 sào ruộng, vợ chồng bảo nhau chí thú làm ăn, hết làm ruộng lại khai hoang đất trồng bắp và chăn nuôi heo, gà. 

Thương binh Nguyễn Thanh Hòa với chiếc Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày”.
Thương binh Nguyễn Thanh Hòa với chiếc Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày”.

Nhờ cần cù lao động, chắt chiu dành dụm, từ năm 1997, thu nhập, đời sống của gia đình ông dần ổn định và khấm khá. Hàng năm, gia đình ông Hòa tích cóp được vài chục triệu đồng. Các con được ăn học, có việc làm ổn định. Năm 2016, từ khoản tiền dành dụm được, cộng với 50 triệu đồng do địa phương hỗ trợ, vợ chồng ông đã xây dựng được ngôi nhà mới khá khang trang với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Giờ đây, tuy tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn nhưng ông Hòa vẫn gương mẫu đi đầu thực hiện và tuyên truyền, vận động bà con trong ấp chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vợ ông Hòa là bà Văn Hồng Cúc (Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Nhân Trí), cũng là người tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh (CCB) địa phương. Nhiều năm liền, ông được Hội CCB các cấp biểu dương, khen thưởng. 

Tương tự, thương binh Trịnh Đức Khuyến (SN 1958, quê Ninh Bình) là một trong những điển hình tiêu biểu phát triển kinh tế. Ông Khuyến kể, năm 1979, ông tham gia nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Do có nhiều thương tích (thương binh hạng 4/4), năm 1981, ông được xuất ngũ. Ở quê làm ăn khó khăn nên qua giới thiệu của bạn bè, ông Khuyến quyết định vào ấp 3, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc lập nghiệp. Tại đây, ông Khuyến lập gia đình với bà Nguyễn Thị Năm (SN 1965, ngụ xã Bàu Lâm). Thời gian đầu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông cùng vợ vừa làm thuê để kiếm tiền nuôi sống gia đình, vừa khai khẩn đất rừng làm rẫy, trồng bắp, mỳ. 

Thương binh Trịnh Đức Khuyến (ngồi xe lăn), dù hay đau bệnh do vết thương cũ tái phát nhưng luôn theo sát việc kinh doanh, làm ăn của gia đình.
Thương binh Trịnh Đức Khuyến (ngồi xe lăn), dù hay đau bệnh do vết thương cũ tái phát nhưng luôn theo sát việc kinh doanh, làm ăn của gia đình.

Sau nhiều năm cố gắng, giờ đây, vợ chồng ông Khuyến đã có cơ ngơi đáng mơ ước với 4ha đất, trong đó 1,5ha trồng tiêu, 2,5ha ông cho các hộ khó khăn thuê canh tác, trồng hoa màu. Ông còn mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, có xe tải chở hàng, xe múc, xe cuốc làm công trình… tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng và mang lại thu nhập cho gia đình ông gần 1 tỷ đồng/năm. Những người con của ông Khuyến hiện nay đều có cuộc sống riêng ổn định. Đặc biệt, người con trai lớn của ông là Trịnh Đức Nhủ (SN 1982) đã nối nghiệp cha, hiện đang là sĩ quan quân đội.

TÍCH CỰC THAM GIA CÔNG TÁC XÃ HỘI 

Không chỉ làm ăn thành đạt, những người lính Cụ Hồ năm xưa còn luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chung tay xây dựng nông thôn mới. “Biết đất đai là quý, nhưng tôi là người lính Cụ Hồ, phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, năm 2015 tôi tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất mặt tiền, trị giá lúc đó khoảng 100 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn”, thương binh Trịnh Đức Khuyến chia sẻ. 

Ông Nguyễn Xuân Sửu, Chủ tịch Hội CCB huyện Xuyên Mộc nhận xét: “CCB Trịnh Đức Khuyến là người luôn hết lòng giúp đỡ đồng đội và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Là một thương binh nhưng ông Khuyến đã vững vàng vượt qua khó khăn để trở thành tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp trong công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”. 

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm thương binh, CCB trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc nói riêng đã phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” khi trở về cuộc sống đời thường. Theo ông Sửu, từ năm 2017 đến nay, các hội viên CCB trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp vốn cho các hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế gia đình; hiến 900m2 làm đường giao thông nông thôn, đóng góp 326 ngày công tu sửa 2km đường, kéo điện thắp sáng thôn, ấp. Các cấp Hội CCB huyện Xuyên Mộc còn xây dựng các mô hình như: “Con đường CCB tự quản”; “CLB giúp nhau làm kinh tế” tại ấp Phú Sơn (xã Hòa Hiệp) với 10 hội viên tham gia, hỗ trợ chăn nuôi 50 con dê, với kinh phí 75 triệu đồng; mô hình “1 cây 1 con” đạt trên 2 tỷ đồng nhằm hỗ trợ xoay vòng vốn cho hội viên khó khăn… Nhờ các mô hình này mà trong nhiều năm qua, Hội CCB huyện Xuyên Mộc đã xóa được hàng trăm nhà tạm, nhà dột nát, giúp hàng trăm hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng…

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.