Càng gần đến kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), ký ức về một thời hoa lửa, về đồng đội-những người từng vào sinh ra tử lại ùa về, vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa.
Chiến tranh đã đi qua hơn 43 năm nhưng trong tâm trí của CCB Phạm Quang Lập (Sư đoàn 3 Sao Vàng), những kỷ niệm chiến trường, nghĩa tình đồng đội cao cả dường như còn sống mãi. Nâng niu trên tay chiếc ăng gô cũ (vật dụng dùng đựng cơm của chiến sĩ trong chiến trường) và bức thư nhắn tìm hài cốt đồng đội, những hình ảnh về liệt sĩ Nguyễn Xuân Trường (Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng) lại hiện về trong tâm trí ông. Người thanh niên có nước da ngăm đen và chiếc răng khểnh, có sở trường bắt cá chạch, khá trầm tính nhưng cực kỳ bản lĩnh là tất cả những gì ông Lập còn nhớ về người đồng đội của mình trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Cựu chiến binh Phạm Quang Lập (Sư đoàn 3 Sao Vàng) nhớ lại những kỷ niệm cùng người đồng đội Nguyễn Xuân Trường cách đây hơn 43 năm. |
Ông Lập nhớ lại: “Năm 1972, tôi gặp anh Trường ở Tiểu đoàn 34, Trung đoàn 62, Đại đội 12, Bộ Tư lệnh đặc công. Khi ấy, cả hai mới 17, 18 tuổi, cùng tham gia huấn luyện ở Ba Vì (Hà Tây cũ). Những ngày sau Tết, cả đơn vị được tập trung huấn luyện từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Trời rét nhưng mỗi người chỉ mặc trên người một chiếc quần đùi mỏng, từ đầu đến chân lấm lem đầy bùn đất. Sau một tuần huấn luyện, chiều chủ nhật, anh em trong đơn vị lại kéo nhau đi bắt cá chạch ngoài đồng về kho lá sắn, bổ sung thức ăn. Sống trong cảnh thiếu thốn, giá rét nhưng mà vui, mà thắm tình đồng chí, đồng đội”.
Theo ông Lập, cuối năm 1973, ông được phân về Tiểu đoàn 40B, còn ông Nguyễn Xuân Trường về Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3). 2 năm sau, vào một ngày giữa tháng 4-1975, tình cờ hai người gặp lại nhau trong chiến dịch giải phóng TX. Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận). “Gặp lại nhau giữa mưa bom lửa đạn, chúng tôi vui lắm. Vậy mà, chỉ 13 ngày sau, anh Trường hy sinh khi đánh lô cốt của địch ở đầu cầu Cỏ May trong trận đánh giải phóng Vũng Tàu…”, ông Lập xúc động kể.
Hòa bình lập lại, ông Lập chọn TP. Vũng Tàu làm quê hương thứ hai. Năm 1996, sau nhiều năm tìm kiếm, ông đã tìm được phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trường tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Từ đó đến nay, hàng năm vào các ngày lễ lớn của dân tộc trong đó có dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông Lập cùng vợ con đến thắp nhang để tưởng nhớ về những người đồng đội, đồng chí năm xưa.
Còn với ông Lê Văn Xứng (73 tuổi, thương binh 4/4, CCB Trung đoàn 33), hiện đang sinh sống ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, 49 năm sau trận đánh Bình Ba Xăng (chiến dịch Bình Ba năm 1969), hình ảnh 53 chiến sĩ hy sinh, trong đó 49 người bị địch đào hố chôn tập thể, khiến ông không thể nào quên.
Cựu chiến binh Lê Văn Xứng (bìa phải, Trung đoàn 33) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm trong trận đánh Bình Ba Xăng (năm 1969). |
Với ông Xứng, trận đánh Bình Ba là trận chiến ác liệt giữa Trung đoàn 33 quân giải phóng và Tiểu đoàn D440 tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu) với Tiểu đoàn 5 quân đội Úc. Ông Xứng khi đó là Chính trị viên phó, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 33), được giao nhiệm vụ cùng đồng đội dùng cáng chuyển thương binh về Bệnh viện tiền phương của Bộ Tư lệnh chiến dịch để cứu chữa. Nhớ về đồng đội của mình, người hy sinh, người bị thương, bị bắt sau trận đánh ở Bình Ba Xăng, ông Xứng không cầm được nước mắt, nói: “Đau xót nhất là những anh em hy sinh ngay tại đó, bị vùi trong lòng đất, đến tận bây giờ cũng không thể tìm được hài cốt từng người. Những người bị thương sau khi được sơ cứu, được chúng tôi chuyển ra tuyến sau. Hơn 2 ngày đêm liên tục băng rừng, vượt suối, trên đường đi, anh em còn chia nhau từng đọt rau rừng, từng ngụm nước suối…”.
Sau giải phóng đất nước, Khu di tích lịch sử cách mạng Trung đoàn 33 được xây dựng ở ấp Bình Đức, xã Bình Ba, huyện Châu Đức để nhân dân địa phương tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh. Tại đây, có một tấm bia mộ ghi danh 49 chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh Bình Ba Xăng đầy ác liệt.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN