.

Khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ

Cập nhật: 15:10, 09/07/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và của cả hệ thống chính trị. Điều đó cho thấy công tác cán bộ luôn giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong mọi thời điểm của cách mạng.

Cán bộ Bộ phận “một cửa” của UBND phường Phước Hiệp (TP.Bà Rịa) tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân. Ảnh: NGỌC NGUYỄN.
Cán bộ Bộ phận “một cửa” của UBND phường Phước Hiệp (TP.Bà Rịa) tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân. Ảnh: NGỌC NGUYỄN.

Cách đây hơn 21 năm, ngày 18-6-1997, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định dành riêng cho công tác cán bộ. Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong mọi giai đoạn, đặc biệt là ở những bước ngoặt của lịch sử, công tác cán bộ càng được Đảng quan tâm đúng mức. Đến nay, về cơ bản, Đảng đã tạo ra một hành lang có tính pháp lý làm cơ sở để có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ xứng tầm với nhiệm vụ chính trị.

 Hơn 20 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 03 của BCH Trung ương khóa VIII ra đời, việc thực hiện công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiến bộ trên các mặt. Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa XII đánh giá: “Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nề nếp và đạt được những kết quả quan trọng; Quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Trên một số mặt như: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, kết hợp với bố trí một số chức danh làm lãnh đạo không là người địa phương; Kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ; Xử lý một số tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm... đã chuyển biến, tiến bộ theo hướng  bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch và quyết liệt  hơn”. 

Cả phương diện lý luận và thực tiễn đều khẳng định: Công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng. Nhưng cho dù đường lối của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ trong nhiều thập kỷ qua luôn bảo đảm tính đúng đắn, song việc thực hiện đường lối đó trong thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đã và đang đặt ra, thậm chí có mặt, có nơi nhiều vụ việc trong công tác cán bộ gây bức xúc trong Đảng, trong dân. Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa XII đánh giá: Việc thực hiện đường lối của Đảng về công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện tại, trên tất cả các khâu, các bước của công tác cán bộ như vẫn còn nhiều yếu kém. Những khoảng trống trong quy định về công tác cán bộ đã tạo nhiều khe hở để một bộ phận cán bộ có chức, có quyền suy thoái đạo đức lợi dụng, thao túng quyền lực. Nhiều chủ trương của Đảng về công tác cán bộ chậm được cụ thể hóa, một số nội dung chưa bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất. Có lúc, có nơi chưa tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí còn lợi dụng nguyên tắc đó để hợp thức hóa ý đồ cá nhân. Công tác quản lý cán bộ còn bị buông lỏng, khi sự việc xảy ra gây hậu quả lớn hoặc khi có đơn tố cáo thì tổ chức mới biết. Tình trạng công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình nhưng chưa đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định vẫn xảy ra nhiều nơi. Những lệch lạc, hạn chế, thiếu sót trong thực hiện đường lối của Đảng về công tác cán bộ đã tạo ra một đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh.

Thực tế quá trình tổ chức thực hiện công tác cán bộ ở tất cả các khâu, các bước đang đòi hỏi phải nhanh chóng, quyết liệt chấn chỉnh để đường lối về công tác cán bộ của Đảng đi vào cuộc sống bảo đảm tính đúng đắn nhất. Hiện tại, ngoài việc tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối, xây dựng và hoàn thiện tất cả các quy chế, quy định về công tác cán bộ thì trong tất cả các khâu, các bước của công tác cán bộ như: đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ đều phải nghiêm khắc nhìn nhận để chấn chỉnh, uốn nắn đúng theo quan điểm của Đảng. Trước hết, cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, trong đó đặc biệt là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như quan điểm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục của công tác cán bộ và điều quan trọng là để lãnh đạo và đảng viên nhận thấy trách nhiệm với tương lai đất nước trong công tác cán bộ. Thực tế cho thấy, không ít cấp ủy, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc nên thực hiện công tác cán bộ tùy tiện, theo ý muốn chủ quan; Có nơi, có lúc buông lỏng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ nên khoán trắng công tác cán bộ cho cơ quan tham mưu, hoặc ngược lại biến cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ thành nơi làm thủ tục hành chính về công tác cán bộ. Cần nhanh chóng khắc phục tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm, lợi ích nhóm, thiếu công tâm trong việc đánh giá cán bộ. Phải tìm mọi biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải góp phần tích cực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước. Cần sàng lọc kỹ càng và mạnh dạn thay thế kịp thời những cán bộ phẩm chất, năng lực, ý thức trách nhiệm, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra cần được tăng cường hơn, việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực phải quyết liệt hơn để ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ, đặc biệt là nạn chạy chức, chạy quyền…

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.