Sáng 25-11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Hầu hết đại biểu đều quan tâm đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật, sự đồng bộ, thống nhất giữa đầu tư xây dựng và quy hoạch xây dựng.
Đánh giá chung về dự án luật và các nghị định liên quan được trình, các đại biểu cho rằng, đây là một dự án luật có chất lượng tốt, bố cục hợp lý, dễ hiểu, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra, nhất là tạo ra sự đổi mới về phương pháp quản lý nhằm hạn chế thất thoát trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, trao đổi về phạm vi điều chỉnh của dự Luật, đại biểu Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) cho rằng, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng gồm quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án đầu tư cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng... với mọi loại nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Về cấp phép xây dựng và quy định về Hồ sơ xin cấp phép xây dựng, điểm đ khoản 1 Điều 81 yêu cầu “các giấy tờ khác có liên quan”, đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người dân khi không chỉ rõ giấy tờ khác là giấy tờ gì. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định về những giấy tờ khác này.
Liên quan đến việc lấy ý kiến của cộng đồng đối với những công trình liên quan đến dân cư, đại biểu Lê Trọng Sang (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dự Luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề này. Thực tế khi người dân có ý kiến khác, muốn đề xuất, sửa đổi về những chỉ tiêu công trình thì không nhận được phản hồi, điều này khiến đồ án thiết kế thiếu tính khả thi, khi xây dựng rồi phải lập lại.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có tổng kết để có cơ sở đánh giá công tác quy hoạch, bổ sung điều khoản về lấy ý kiến, cụ thể như tỷ lệ ý kiến của người dân đạt bao nhiêu là đồng thuận, quy định về vai trò của tổ chức phản biện độc lập để đảm bảo khách quan. Đại biểu cũng đề nghị giao Chính phủ xây dựng quy chế giám sát của cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng đề án công trình liên quan đến cộng đồng dân cư.
Các đại biểu Lê Trọng Sang, Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) lưu ý thêm, dự luật cần quan tâm đến các quy định về việc lấy ý kiến trong đồ án quy hoạch xây dựng, có chế định yêu cầu cơ quan lập và tư vấn, xây dựng đồ án quy hoạch gắn với cộng đồng dân cư, phải tiếp thu ý kiến của các cá nhân liên quan, cộng đồng dân cư gắn với các chế tài thật cụ thể, đảm bảo tính khách quan, khả thi của đồ án quy hoạch xây dựng, tránh quy hoạch treo.
* Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đang ngày càng trầm trọng, gây nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến tương lai nòi giống, vì thế cần thiết phải sửa luật để có chế tài nghiêm minh đối với hành vi này. Trước đó, trong giờ làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật với đa số phiếu tán thành.
(TTXVN)