Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã dành Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục khẳng định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt.
![]() |
Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: L.P |
Trước hết, chúng ta có thể nhận thấy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội; đồng thời góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực và trên thế giới. Để làm được điều đó, Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước; cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định. Thực tế những năm qua cho thấy, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước đã thể chế những quy định của Hiến pháp thành các Luật như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi năm năm 2009), Luật Giáo dục quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Biên giới quốc gia… và các văn bản dưới luật. Những văn bản quy phạm pháp luật đó đã phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống.
Đi vào từng điều cụ thể của Chương IV Dự thảo sửa đổi, tại Điều 69 (sửa đổi, bổ sung Điều 44), có sự bổ sung quan trọng là: “… góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực và thế giới”, điều đó phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực trong bối cảnh toàn cầu hoá. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta còn có ý nghĩa “góp phần bảo vệ hoà bình khu vực và trên thế giới”, đồng thời khẳng định trách nhiệm quốc tế của Nhà nước ta. Cũng với ý nghĩa đó, tại Điều 70 của Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 45) về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam có ghi “… và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”, là cơ sở để lực lượng vũ trang có thể tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) có hai điểm bổ sung quan trọng, một là, “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”; hai là, “… bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đây là điểm cần được hiến định, bởi, thực tế đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lực lượng vũ trang do Đảng sáng lập và lãnh đạo, tổ chức và rèn luyện. Do đó, lực lượng vũ trang trước hết phải tuyệt đối trung thành với Đảng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân. Hiện nay, một số thế lực thù địch nhân việc sửa đổi Hiến pháp đưa ra luận điệu xuyên tạc, chống phá nhằm “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang nhân dân. Do đó, cần được hiến định điều này và lực lượng vũ trang phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước.
Điều 71(sửa đổi, bổ sung Điều 46) và Điều 72 (sửa đổi, bổ sung Điều 47) nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân mà trong Hiến pháp năm 1992 chưa nêu. Cụ thể là, Quân đội nhân dân, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Công an nhân dân làm nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc đưa cụm từ “cách mạng” vào sau Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam khẳng định bản chất cách mạng của Quân đội và Công an của ta.
Như vậy, việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dành một chương về Bảo vệ Tổ quốc là cần thiết và khẳng định, làm rõ hơn bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng Quân đội và Công an làm nòng cốt.
LƯU DƯƠNG