Bản anh hùng ca bất diệt
Trong tay không một tấc sắt, bị giam cầm, đàn áp hết sức dã man, nhưng với tinh thần đặc biệt kiên trung, bất khuất, những chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo đã vượt lên trên tất cả, bền bỉ đấu tranh, giữ trọn khí tiết của người Cộng sản.
![]() |
Các cựu tù Côn Đảo trong một lần gặp mặt tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BR-VT. |
CUỘC ĐẤU TRANH VÌ LÝ TƯỞNG
Thực dân Pháp đánh chiếm Côn Đảo ngày 28-11-1861, thiết lập nhà tù ở đây ngày 1-2-1862. Đó là nhà tù đầu tiên, lớn nhất và tàn bạo nhất ở xứ Đông Dương. Trải qua 113 năm với 53 đời chúa ngục, nhà tù Côn Đảo nổi tiếng là một “địa ngục trần gian”. Từ khi thiết lập nhà tù cho đến năm 1954, thực dân Pháp đã đày ra Côn Đảo hàng vạn người Việt Nam yêu nước và cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản. Từ năm 1955 trở đi, đế quốc Mỹ và tay sai sử dụng nhà tù Côn Đảo như một công cụ đắc lực trong chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”. Chúng dùng mọi thủ đoạn đày ải, xiết bóp đời sống, truy bức, khủng bố đàn áp, dụ dỗ mua chuộc nhằm buộc người tù chính trị từ bỏ lý tưởng Cộng sản, ly khai Đảng Cộng sản, đả đảo lãnh tụ, quy thuận chế độ “quốc gia”, trở thành tay sai cho chúng đánh phá phong trào cách mạng. Toàn bộ các thủ đoạn của chúng đều nhằm đánh vào sinh mạng của người tù, làm cho họ suy sụp về lý tưởng, mòn mỏi về ý chí, tha hóa về nhân cách, vô hiệu hóa về hoạt động. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh của người tù chính trị Côn Đảo mang một sắc thái điển hình và trở thành tiêu điểm của cuộc đối đầu giữa những người cộng sản trung kiên và những thế lực chống Cộng tàn bạo. Đó là bản anh hùng ca bi tráng và bất diệt về lòng yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng độc lập tự do và hướng tới chủ nghĩa xã hội của những người Cộng sản.
Tiêu biểu trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết của chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo thời kỳ Mỹ - ngụy là tập thể “chống ly khai Đảng Cộng sản” của tù chính trị câu lưu và tập thể “chống chào cờ Mỹ - ngụy” của tù chính trị. Từ năm 1957 đến 1959, Mỹ - Diệm đã đày hơn 4 ngàn tù chính trị bị chúng coi là “nguy hiểm nhất” từ các nhà lao trên toàn miền Nam ra Côn Đảo. Chúng sử dụng những biện pháp khốc liệt nhất để cưỡng bức họ “ly khai Đảng Cộng sản” và qui thuận “quốc gia”. Nhưng với tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên cường, quyết tử vì mục tiêu bảo vệ lý tưởng của cách mạng, uy danh của Đảng và Hồ Chủ tịch, bảo vệ khí tiết của bản thân, các chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo đã làm thất bại chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” và “ly khai Đảng Cộng sản” của địch. Nổi bật trong số này là tấm gương đấu tranh và hy sinh của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu (phong trào “Chống chào cờ Mỹ - ngụy”) và các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một (phong trào “Chống ly khai Đảng Cộng sản”).
Những hình thức đấu tranh của chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo mang ý nghĩa lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ - ngụy của nhân dân cả nước. Những báo cáo của chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo gửi về Trung ương Cục miền Nam khá đều đặn từ năm 1963 đã trở thành những bài học, kinh nghiệm quý cho Trung ương Cục trong việc chỉ đạo hoạt động đấu tranh trong các nhà tù khác ở toàn miền Nam và tranh thủ dư luận, đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
TRƯỜNG HỌC LỚN CỦA CÁCH MẠNG
Vượt lên nỗi đau về thể xác và tinh thần cùng những chiêu bài dụ dỗ của địch, tại nơi được ví là “địa ngục trần gian” này, các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, rèn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng ta. Hàng ngàn tù chính trị được ân xá năm 1936 đã góp phần quan trọng phục hồi các Đảng bộ địa phương, góp phần vào cao trào cách mạng 1936-1939 và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Hai ngàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các Xứ ủy, Khu ủy, Tỉnh ủy và các lực lượng vũ trang Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ - Ngụy. Trong số đó, nhiều người đã trưởng thành và giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước ta như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Linh…
Bài, ảnh: BÙI CẢNH
Hệ thống nhà tù Côn Đảo gồm 8 trại giam chính, mỗi trại rộng khoảng 10.000m2, có tường đá dày bao quanh, cùng nhiều trại giam phụ, với các khu kỷ luật gồm: 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 gian biệt lập chuồng bò, 120 gian “chuồng cọp” Pháp, 384 gian “chuồng cọp” Mỹ và rất nhiều phòng kỷ luật để duy trì chế độ kềm kẹp đối với người tù. Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, hơn hai vạn người tù yêu nước và cách mạng đã hy sinh tại đây, trong đó có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Hệ thống di tích cách mạng nhà tù Côn Đảo được xem như “bàn thờ Tổ quốc” giữa biển Đông. |