TẬP HỢP THANH NIÊN VÙNG BIỂN: CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI
![]() |
Sau những giờ làm việc vất vả phụ giúp gia đình, thanh thiếu niên phường 5, TP. Vũng Tàu chưa có được không gian sinh hoạt bổ ích và mang tính cộng đồng |
Đó là thực trạng của công tác tập hợp thanh niên vùng biển của tỉnh trong thời gian qua, dù Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã tốn không ít công sức cho vấn đề này. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho thực tế đó. Nhưng nghịch lý là ở chỗ: Biết rõ nguyên nhân mà chưa thể làm tốt hơn.
THANH NIÊN LÀ ĐOÀN VIÊN, HỘI VIÊN: 10%
Bà Rịa-Vũng Tàu có 11 xã, phường, thị trấn vùng biển với gần 60.000 thanh niên, chiếm 21,7% thanh niên toàn tỉnh. Trong đó, gần 12.000 thanh niên trực tiếp tham gia nghề biển. Những đối tượng này tập trung ở: Xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ (3.005 người); xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (4.275 người) và thị trấn Long Hải, huyện Long Điền gần 1.000 người.
Với một lực lượng thanh niên đông đảo như vậy nhưng hiện mới chỉ có hơn 6.000 người (10%) tham gia vào tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh (HLH TN). Điều này cũng có nghĩa là phần lớn thanh niên vùng biển vẫn đứng ngoài cuộc với các hoạt động đoàn, hội. Riêng đối với những thanh niên trực tiếp tham gia nghề biển thì gần như bỏ không.
Nhiều cán bộ đoàn ở các xã vùng biển đều lắc đầu khi đề cập đến vấn đề tập hợp thanh niên. Chị Đỗ Thị Vàng, Bí thư xã đoàn Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho biết, rất nhiều thanh niên nhìn thấy các hoạt động đoàn, hội cũng tỏ ra rất thích thú. Tuy nhiên, đứng xem cho vui thì được còn vận động họ cùng tham gia thì phần lớn lại né tránh. Đoàn cơ sở cũng đã có những chuyến thâm nhập thực tế, sống chung, ăn chung với thanh niên nghề cá để vận động họ,ï nhưng cũng không có hiệu quả.
VÌ SAO?
Đối với những cán bộ đoàn của các xã, phường vùng biển, câu hỏi này không khó để trả lời, thậm chí là quá quen thuộc. Tập hợp thanh niên ở địa phương họ vướng ở chỗ nào, khó ra sao? Chỉ mất 2 phút để họ trả lời: Đó là sự thiếu thốn về thời gian, về nhận thức yếu kém của thanh niên, lực lượng cán bộ đoàn còn quá mỏng và chưa có phương thức tập hợp hiệu quả…
Vũ Thị Minh Thanh, quyền Bí thư Đoàn phường 5, TP.Vũng Tàu cho biết: Toàn phường có hơn 5.000 người trong độ tuổi thanh niên, nhưng chỉ mới phát triển được hơn 400 đoàn viên và hội viên của HLH TN. Chỉ có gần 70 thanh niên tham gia nghề biển nhưng hầu như không tập hợp được. Thanh niên làm nghề biển, thời gian không có, và hơn nữa bản thân họ e ngại, các bậc cha mẹ thì không muốn cho con em tham gia. Mà đâu chỉ có thanh niên đi biển là khó, những thanh thiếu niên ở nhà cũng không vận động được. Ở phường có một em hát rất hay nhưng khi đoàn thanh niên đến vận động tham gia đội văn nghệ thì bị phụ huynh từ chối vì lý do: "Hát hò gì, ở nhà còn đi buôn bán".
Một đặc điểm của thanh niên vùng biển là tỷ lệ bỏ học giữa chừng rất cao, do đó, họ sớm bị tách ra khỏi các hoạt động đoàn, đội ở trường học. Mặt khác, còn một số thanh niên trong độ tuổi lại phải bám biển dài ngày nên mọi sinh hoạt Đoàn, Hội cũng bị gác lại. Hồ Thành Nhân, 23 tuổi, ngư dân xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ nói: "Thanh niên trong vùng này không được học hành nhiều, 2 giờ sáng đi biển đến mãi 10 giờ tối mới về. Hầu hết họ chẳng hiểu gì về Đoàn, Hội. Tôi cũng là hội viên HLH TN, sống gần gũi với anh em ngư dân nhưng vận động họ cũng không ăn thua".
Ngoài những trở ngại xuất phát từ đặc điểm sinh hoạt của vùng biển, còn có nguyên nhân nảy sinh từ phía đội ngũ cán bộ đoàn: Lực lượng mỏng, kinh phí hoạt động không có. Hiện tại mỗi xã, phường thường chỉ có 3 cán bộ đoàn (bí thư, phó bí thư và 1 uỷ viên). Riêng ở các chi đoàn thôn, ấp, khu phố thì chỉ có bí thư là được hưởng phụ cấp với mức 87 ngàn đồng/tháng. Còn lại không có chế độ. Phần lớn họ tham gia hoạt động đoàn, hội là do nhiệt tình và yêu thích. Nhưng chẳng lẽ, họ cứ "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" mãi. Thành ra, nhiều cán bộ đoàn bỏ hoạt động để tìm kế sinh nhai là chuyện thường tình. Điều này làm cho tổ chức cán bộ đoàn luôn bị động về nhân sự. Những cán bộ bắt đầu quen với công tác thì bỏ đi, tìm được cán bộ mới thì phải đào tạo, sắp xếp lại. Nhưng rồi cán bộ mới cũng lại ra đi.
Bài, ảnh: Hoàng Nam