RẠN VỠ TỪ "LÁ CHẮN" GIA ĐÌNH !
![]() |
Thời gian qua, hàng loạt các động lắc, ổ "nhện" mại dâm trá hình trên cả nước đã bị lực lượng công an đưa ra ánh sáng. Sự suy đồi đạo đức, ăn chơi, thác loạn trong giới trẻ đã khiến cho nhiều gia đình chia ly, xã hội và dư luận cũng rất bức xúc... Rõ ràng vai trò của gia đình - bức thành trì vững chắc bảo vệ con trẻ đang bộc lộ nhiều "khoảng trống". Phóng viên báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đỗ Ngọc, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em xung quanh vấn đề này:
* Ông đánh giá gì về vai trò của gia đình đối với giới trẻ hiện nay?
Giáo dục con cái là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi gia đình và như vậy các bậc làm cha, mẹ phải là tấm gương sáng để con cái soi vào. Nói cách khác, cha mẹ phải là thần tượng cho con cái. Những lý tưởng, đạo đức của con được tiếp thu trực tiếp từ cha mẹ. Về mặt tâm sinh lý, lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi đang khao khát khám phá những điều mới lạ, thích khẳng định mình. Nếu tìm thấy điều hay, lẽ phải thì các em trở thành người tốt. Nhưng ngược lại, các em dễ trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội. Do vậy, trách nhiệm của cha mẹ là phải định hướng quan điểm sống, lối sống cho con trẻ.
* Theo ông, vì sao ngày càng có nhiều thanh thiếu niên sa vào các tệ nạn xã hội? Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến điều này ?
- Phần lớn những đứa trẻ lao vào tệ nạn xã hội đều sinh ra trong những gia đình kinh doanh buôn bán, có chức có quyền và có nguồn thu nhập cao. Hoặc sinh ra trong gia đình bố, mẹ ly hôn hoặc bố mẹ ở xa gửi người khác chăm sóc. Họ đã sai lầm khi nghĩ rằng, cứ cho con cái thật nhiều vật chất là tạo cho chúng có cuộc sống đầy đủ.
Người lớn thường có những lời nói giáo điều, khuyên lớp trẻ phải sống có lý tưởng, nhưng bản thân họ vẫn làm ngược lại với những lời nói đó thì thử hỏi làm sao con trẻ có thể nghe theo. Chẳng hạn nhiều ông bố, bà mẹ kiếm tiền "không chính đáng", hút thuốc phiện, đánh đề; dùng tiền để mua chức mua quyền… thì sao có thể làm gương sáng cho con cái. Nhiều đứa trẻ khi bị bắt đã khai rằng, chúng rất xấu hổ vì cha mẹ chúng.
* Với những đứa trẻ hiện là "nạn nhân" trong gia đình như trên phải chăng đã hết cách... " trị"?
![]() |
Khai thác sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình, "lắc" đã "tấn công" vào một bộ phận giới trẻ. Ảnh: V.N |
- Chúng ta thật đau lòng khi chứng kiến cảnh các em còn quá trẻ bị bắt vì đã tham gia vào các động lắc. Gây ra tình trạng này chính là thiếu vai trò quản lý, giáo dục từ các gia đình. Bằng chứng là khi nhìn thấy những cơ quan báo chí ghi hình tại những động lắc đó, chúng ta thấy các em lấy tay che mặt, hoặc gục đầu xuống. Chứng tỏ các em vẫn còn có lòng tự trọng và biết nhận sai. Điều đó cho thấy, những bậc làm cha mẹ cần làm một điều gì đó giúp các em trở lại thành người lương thiện. Đừng mất hết lòng tin vào các em. Hãy tạo những "sân chơi" bổ ích lành mạnh phù hợp với tuổi trẻ.
* Ông đánh giá như thế nào về "cuộc chiến" của các ngành chức năng triệt phá các động lắc thời gian qua?
- Muốn ngăn việc chơi thuốc lắc của thanh thiếu niên hiện nay đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành. Cần triệt đường dây đưa thuốc lắc và nước ta, quản lý chặt hoạt động của các quán bar, karaoke... Nhưng bên cạnh việc "chống" đó cần phải tiến hành "xây". Đó là xây dựng một nền tảng gia đình vững chắc, trong đó phải hội tụ đầy đủ các nhân tố của một gia đình Việt Nam truyền thống. Bên cạnh đó, gia đình cần tạo niềm tin và định hướng cho lớp trẻ. Khi con trẻ đã được trang bị nhận thức đầy đủ từ gia đình, nhà trường và xã hội thì cho dù có bảo chúng phạm tội chúng cũng không thể làm được.
- Xin cảm ơn ông!
Trần Hương (Thực hiện)