ĐỂ NGƯỜI CÓ CÔNG ĐƯỢC GHI CÔNG
![]() |
Đồng chí Võ Kim Hanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp 27-7. |
Chiến tranh đã kết thúc gần 30 năm, vậy mà còn không ít hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng đang tồn lại ở các phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) hay Sở LĐTB-XH mà chưa giải quyết được. Cũng còn không ít hồ sơ đã được xác nhận là người có công với cách mạng nhưng chưa được xét tặng thưởng xứng đáng với công lao và xương máu mà họ đã đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ.
Không phải những cán bộ làm công tác thẩm định hồ sơ không hết lòng vì công việc. Ông Võ Văn Cầm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh cho biết: Các chuyên viên của Hội đồng thi đua khen thưởng luôn phải làm việc ngoài giờ để thẩm định hồ sơ người có công với cách mạng, mục đích là để không sót người nào thực sự có công mà không được khen thưởng xứng đáng. Hệ thống cán bộ làm công tác thương binh liệt sĩ và người có công trong ngành LĐTB-XH cũng luôn bận rộn, mong giải quyết dứt điểm số hồ sơ tồn đọng. Thế nhưng, vướng vẫn vướng.
Nguyên nhân chính vẫn là thiếu các chứng cứ pháp lý để khẳng định người đó đã tham gia hoạt động cách mạng như thế nào. Ông Cầm lấy một ví dụ cụ thể: Một cán bộ chiến sĩ quê ngoài Bắc, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bỏ cả quê nhà theo bộ đội. Đánh giặc hết trận địa này trận địa khác, đến khi hòa bình, mừng quá, hạnh phúc của cả đất nước cũng như của mình, không còn phải chiến đấu nữa, về tìm một quê hương mới nào đó để sinh sống. Lúc đó đâu ai nghĩ phải báo công của mình để Tổ quốc ghi ơn. Bây giờ, ai có thể xác nhận cho người chiến sĩ đó đã từng tham gia kháng chiến? Quê cũ không được – đã mấy chục năm anh bỏ quê ra đi, nào ai biết anh đi đâu. Tìm về những nơi chiến trường xưa, nào còn đơn vị cũ để nhờ xác nhận, đồng đội cũ mỗi người một nơi, ai còn ai mất nào ai hay biết. Nơi anh đến lập nghiệp (nay cụ thể là mảnh đất Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đã mấy chục năm nhưng khi anh đến, đất nước đã hòa bình. Giải quyết những trường hợp này ra sao đang làm đau đầu và lúng túng cả một hội đồng những người làm công tác xác nhận, thẩm định người có công. Nếu làm sai, xác nhận không trung thực, đã có quy định của Chính phủ trong việc chế tài, người cán bộ làm công tác này có thể bị truy tố trước pháp luật. Không xác nhận được, lại cảm thấy lòng day dứt…
Theo số liệu của Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng, toàn tỉnh hiện còn tồn đọng hơn 5.000 hồ sơ xét khen thưởng cho người tham gia kháng chiến, người có công với cách mạng. Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh đang thẩm định 1.667 hồ sơ, 2.831 hồ sơ tồn đọng ở cấp huyện. |
Thực hiện công văn số 855 của Cục Chính sách – Tổng Cục chính trị và nhiều văn bản khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, trực tiếp là 3 đơn vị: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh (trong việc xác nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến thắng); Sở Lao động - Thương binh Xã hội (trong việc xác nhận hồ sơ người có công); Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh (trong việc thẩm định và đề nghị phong tặng huân, huy chương kháng chiến) có nhiệm vụ tập trung rà soát những trường hợp người có công còn chưa được xác nhận cũng như giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng. Tất cả các phường, xã, thị trấn cũng phải phối hợp trong việc rà soát (đến tận khu phố, thôn, ấp) những trường hợp còn bỏ sót để phối hợp với 3 đơn vị trên thực hiện công tác xác nhận người có công. Mong rằng với việc "ra quân" của toàn xã hội, những vướng mắc sẽ được giải quyết: Sẽ tìm ra người có thể xác nhận công lao cho những người đã cống hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc; sẽ tìm ra và tặng thưởng xứng đáng những cá nhân một thời oai hùng nơi chiến địa, nay đang sống lặng lẽ nơi làng quê yên bình. Những người đã từng hy sinh xương máu, hy sinh cuộc sống của mình cho đất nước phải được trân trọng, đó là những gì chúng ta phải làm hôm nay.
Bài, ảnh: Yến Phương