.
GIẢI QUYẾT HỒ SƠ TỒN ĐỌNG Ở LONG PHƯỚC (TX. BÀ RỊA)

SẼ LẬP BAN THẨM ĐỊNH ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG VƯỚNG MẮC

Cập nhật: 08:32, 25/11/2004 (GMT+7)
Ông Võ Văn Cầm, Phó Chủ tịch HĐTĐKT tỉnh, trao đổi với bà Tám Mây.

Người dân Long Phước anh hùng khi xưa đã kiên cường đấu tranh với kẻ thù, hết Pháp, rồi Mỹ. Những công sức, xương máu của người dân Long Phước cống hiến cho cách mạng kể không hết. Có những người đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang, có những người cũng đã một thời cống hiến cho cách mạng, nay sống bình dị giữa đời thường, trong nhà chưa có một tấm huân chương.

CHUYỆN CỦA "THÍM SÁU"

Bà Nguyễn Thị Nhuốt nay đã già, sống hạnh phúc với con cháu ở ấp Đông xã Long Phước, thị xã Bà Rịa. Bình lặng sống cuộc sống đời thường, ít ai biết được chính bà là một đầu mối đã nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật ngay trên mảnh đất Long Phước trong những năm chiến đấu ác liệt với quân thù. Tuổi đã già, bà Nhuốt chỉ còn nhớ đó là giai đoạn khoảng năm 1963 – 1968. Lúc ấy, thông qua một cán bộ phụ nữ xã, bà Nhuốt đón cán bộ cách mạng về nhà mình. Bà chỉ "nghe đâu" đó là các cán bộ của Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Họ gọi bà thân tình bằng tên Thím Sáu, còn bà gọi họ là Hoài, Hồng, Giang, Dân… không biết đó là tên thật hay chỉ là một bí danh trong hoạt động bí mật. Bà kể: "Cứ sáng sớm mấy đứa nó đi, chiều tối lại về nhà tôi ngủ. Có nhiều bữa về trễ, tôi ở nhà mà lo lắng, phấp phỏng, chẳng biết có chuyện gì đến với chúng không. Bom đạn đầy đường". Hỏi bà: Tại sao bà lại nuôi giấu cán bộ cách mạng? Bà Nhuốt trả lời đơn giản: "Tôi sinh ra Việt cộng, vậy thì tôi phải nuôi Việt cộng bởi Việt cộng cũng như con tôi thôi". Đứa con yêu quý mà bà gọi là Việt Cộng ấy chính là người con trai của bà đã anh dũng hy sinh trong thời gian bà nuôi dấu cán bộ, năm 1968.

Cả một khoảng thời gian nuôi cán bộ cách mạng, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng, bà Nhuốt coi đó là một công việc cần làm của mọi người dân. Vui cùng con cháu và công việc gia đình, bà cũng không biết và không nghĩ tới việc báo công để Nhà nước tặng thưởng. Đến nay, khi làm thủ tục kê khai thành tích, bà lại gặp khó khăn bởi không còn ai xác nhận. "Lúc đó, chỉ biết mấy cán bộ tên như vậy, công việc bí mật mà, đâu ai dám hỏi quê quán, nơi làm việc gì đâu" – bà Nhuốt tâm sự. Cũng có một hai người, mỗi năm dịp Tết lại về thăm, tặng quà cho bà. Thế nhưng bà lại nghĩ đơn giản: "Chúng nghĩ đến mình thì về thăm. Tết nào mà chẳng có nhiều người đến thăm, hỏi han thì cũng có nhớ được đâu mà hỏi". Khi cán bộ cách mạng cần bà, ngôi nhà của bà luôn mở rộng cánh cửa; đến khi cần người xác nhận những đóng góp cho cách mạng, lại chẳng biết ai ở đâu để tìm.

CHUYỆN CỦA BÀ TÁM

Bà Tám Mây, ở ấp Phước Hữu kể: Hồi năm 1961, 1962, lúc đó còn trẻ, khỏe, sức 17 "bẻ gẫy sừng trâu", tham gia đào hầm, đào hào hay tải thương, tải đạn cũng bình thường và hứng thú như sinh hoạt thanh niên bây giờ thôi. Cực khổ, bom đạn thấm tháp gì. Nay già rồi, đầu óc không còn sáng suốt, biểu làm hồ sơ báo công cũng không nhớ rõ cụ thể ra sao mà kê khai. Bà Mây chỉ nhớ những mốc khó quên như hồi tham gia dân công trận Đất Đỏ, trận Phú Mỹ. Hồi tải thương từ Đất Đỏ về tận Tân Rú, phải 4 người thay ca nhau mà khiêng thương binh. Rồi việc tải gạo qua sông Ray, đào hầm đào hào chiến sự… Những việc ấy bà coi bình thường như công việc lao động hàng ngày, nay biết kê khai ra sao? Lại nữa, đã kê khai ra rồi, biết tìm ai để xác nhận? Bây giờ chỉ còn vài người cùng đi dân công, cùng tải thương hồi đó chứ người lãnh đạo và phân công công việc trực tiếp đâu có biết ai mà tìm.

"Nghe các cán bộ xã nói chủ trương của Nhà nước về việc lập hồ sơ báo công, tui cũng đã nhờ người làm rồi. Nhà nghèo, gốc nông dân, có biết chữ đâu mà viết. Thế nhưng hồ sơ bị trả lại vì không hợp lý. Một phần vì chữ nghĩa không có, nhờ người viết họ cũng không nói rõ được ý mình; phần vì già rồi, chẳng nhớ rõ nên kê khai không đầy đủ; phần vì không có ai xác nhận… khó quá, chắc tui không kê khai nữa. Được thì tốt, không được cũng không buồn lắm đâu, cống hiến cho cách mạng mà tính toán gì".

ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Ở xã Long Phước, những trường hợp vướng mắc về lập hồ sơ người có công như bà Nhuốt, bà Mây không ít. Họ là những người nông dân chân chất, giúp đỡ cách mạng được coi như công việc phải làm của một người dân nước Việt trong thời chiến. Nay tuổi cao sức yếu, sao nhớ nổi trước đây đã đóng góp bao nhiêu kg gạo, muối cho cách mạng, đưa bao nhiêu đoàn cán bộ đến căn cứ an toàn? Làm thế nào để thành tích của họ được khen thưởng xứng đáng, không bỏ sót một ai là trách nhiệm của mọi cấp ngành, đoàn thể. Bà Nguyễn Thu Lan, Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng (HĐTĐKT) thị xã Bà Rịa cho biết: HĐTĐKT thị xã đã yêu cầu cán bộ thi đua khen thưởng xã Long Phước rà soát lại cụ thể ở từng cụm, tổ dân cư để tìm ra tất cả những cá nhân đã có thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, lắng nghe từng người kể về quá trình hoạt động của mình để lập hồ sơ một cách chính xác. Với những hồ sơ gặp vướng mắc lớn, xã sẽ thành lập một ban thẩm định gồm các cán bộ cách mạng lão thành, lãnh đạo Đảng bộ, UBND và các đoàn thể nhằm xác minh cụ thể quá trình công tác cho những người không tìm được nhân chứng xác nhận. Ông Võ Văn Cầm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTĐKT tỉnh cũng cho biết: Để kịp thời gian hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ trước ngày 31-12-2004, nếu địa phương nào còn tồn quá nhiều hồ sơ và cần sự trợ giúp, Thường trực HĐTĐKT tỉnh sẽ đưa các cán bộ của Hội đồng xuống địa bàn, trực tiếp thẩm định từng hồ sơ.

Bà con Long Phước xưa đã kiên cường giữ từng tấc đất. Nay những thành tích của họ cần được ghi công để thế hệ sau này nhớ đến.

Bài, ảnh: Yến Phương

.
.
.