PHỤC VỤ SÁCH LƯU ĐỘNG: THỎA "CƠN KHÁT" CỦA TRẺ EM VÙNG SÂU, VÙNG XA
![]() |
Tại một phòng đọc sách lưu động do Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức, |
Ngoài những hoạt động luân chuyển sách giữa các thư viện cơ sở 3 tháng một lần, việc tổ chức các xe sách phục vụ lưu động dành cho các em vùng sâu, vùng xa cũng đang được Thư viện Tổng hợp tỉnh chú trọng. Với những chuyến xe sách này, các em đã có dịp để đọc những cuốn truyện tranh hay, hấp dẫn mà vì hoàn cảnh khó khăn, các em không thể mua hoặc mượn được…
THỎA "CƠN KHÁT" SÁCH…
"Ôi nhiều truyện quá kìa!" Gần 400 em học sinh của trường Tiểu học Long Hải I và II, huyện Long Điền đã không kìm được tiếng reo khi những chồng truyện tranh được đưa khỏi xe của thư viện. Ngay khi phòng đọc vừa mở cửa, các em đã ùa vào, vội vã tìm cho mình một chỗ ngồi để được mượn sách, chủ yếu là những tập truyện tranh dành cho tuổi thiếu nhi. Hơn 700 đầu sách một lúc sau đã được các em chia nhau đọc hết. Vì diện tích của phòng đọc có hạn, nhiều em đã phải ngồi ngay trên sàn nhà, trán ướt đẫm mồ hôi say mê đọc như nuốt từng chữ, từng câu trong những cuốn truyện mà các em nhận được. Căn phòng chật cứng, nóng bức đang ồn ào bỗng im lặng, chỉ còn tiếng giở sách, tiếng đánh vần của những "độc giả" nhí. Chứng kiến cảnh này mới thấy hết được "cơn khát" sách của trẻ em vùng sâu, vùng xa. Em Nguyễn Chính Khang, học sinh lớp 4, trường Tiểu học Long Hải II cho biết: "Đây là lần thứ 2 em đến đọc sách như thế này. Truyện nhiều quá, tha hồ đọc. Em chỉ mong sẽ có thật nhiều lần đọc truyện như thế này…".
Cũng có cảm giác giống như Khang, những cô bé, cậu bé ở xã Kim Long, một xã vùng sâu của huyện Châu Đức, rất mong những chuyến xe phục vụ sách lưu động của Thư viện Tổng hợp tỉnh đến. Bởi lẽ đây là dịp để các em được tiếp cận với những câu truyện được nghe kể với những hình vẽ sống động minh họa trong từng tập truyện. Cầm cuốn Cổ tích Việt Nam bằng tranh trên tay, cô bé Nguyễn Thu Hằng, 14 tuổi nói: "Ở đây ít truyện lắm chị ạ, lâu lâu mới mượn được một cuốn, tụi em chuyền tay nhau đọc đến rách luôn…" Rồi cô bé khiêm tốn: "Ước gì tuần nào cũng có một buổi, tụi em cũng được đọc thật nhiều truyện tranh như thế này".
Chị Nguyễn Thị The, cán bộ quản thư Thư viện thị trấn Long Hải, cho biết: "Biết tin có xe sách phục vụ lưu động của Thư viện Tổng hợp tỉnh xuống địa phương, các em đều tập trung từ sáng sớm ở cổng Nhà văn hoá chờ để được đọc sách. Những đợt như thế này là dịp để các em thoả mãn phần nào nhu cầu đọc sách của mình".
NHỮNG CỐ GẮNG ĐÁNG GHI NHẬN
Trong điều kiện hệ thống thư viện tuyến cơ sở đang còn yếu do những thiếu thốn về cơ sở vật chất, những chuyến xe sách phục vụ lưu động là cố gắng đáng ghi nhận của Thư viện Tổng hợp tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách cho các em thiếu nhi ở vùng sâu, nơi điều kiện giải trí còn nhiều hạn chế. Ngoài những tập truyện tranh các em còn được tiếp cận với những tập sách rất khó tìm thấy ở các thư viện trường hoặc thư viện cơ sở do số lượng hạn chế như: Thế giới động vật, tập sách Những câu hỏi đáp dành cho lứa tuổi 3-6 tuổi, từ 12-16 tuổi….
Đó là với độc giả, còn với cán bộ thư viện tuyến cơ sở đây còn là dịp để họ học tập, nâng cao tay nghề. Theo ông Huỳnh Tới, Trưởng phòng nghiệp vụ của Thư viện Tổng hợp tỉnh: "Hiện nay trình độ chuyên môn của cán bộ thư viện các cơ sở còn nhiều hạn chế, vì vậy, trong các chuyến lưu động, chúng tôi đều cố gắng thu xếp thời gian để hướng dẫn cho các quản thư ở thư viện tuyến dưới trong việc bảo quản và phục vụ bạn đọc nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của các thư viện ở từng địa phương, đáp ứng nhu cầu chung cho mọi độc giả".
Có thể nói, dù vẫn còn nhiều hạn chế (như số lượng phục vụ chưa nhiều, thời gian còn ít…) nhưng những xe sách lưu động đang góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu về sách của các em ở vùng sâu, vùng xa. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của cán bộ ngành thư viện, trong thời gian tới, các em ở những nơi điều kiện còn khó khăn sẽ được tiếp cận ngày càng nhiều hơn những cuốn sách lý thú, bổ ích...
Bài, ảnh: Thanh Xuân