![]() |
Côn Đảo có địa hình hiểm trở, thích hợp cho các hoạt động khám phá, mạo hiểm. Ảnh: T.L |
![]() |
Chế tác dụng cụ phục vụ các trò chơi mạo hiểm. Ảnh: Huy Quang |
Sau khi khảo sát nhiều vùng miền của Việt Nam, đoàn làm chương trình truyền hình trò chơi mạo hiểm Koh Lanta (phiên bản tiếng Pháp của chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới Survivor (người sống sót) đã quyết định chọn Côn Đảo làm địa điểm ghi hình. Thời gian thực hiện chương trình kéo dài trong 40 ngày, bắt đầu bấm máy từ ngày 26-4. Lần đầu tiên hình ảnh thiên nhiên kỳ thú của Côn Đảo được quảng bá cho người xem truyền hình trên khắp đất nước Pháp.
Koh Lanta là tên một chương trình truyền hình giải trí kết hợp trò chơi mạo hiểm miêu tả khả năng vượt qua thử thách để sinh tồn của con người trong điều kiện thiên nhiên hoang dã, thiếu thốn các tiện nghi thiết yếu. Chương trình được ra mắt lần đầu tiên trên kênh truyền hình quốc gia Thuỵ Điển vào năm 1992. Tại Mỹ, chương trình cũng rất thành công, thu hút đông đảo người xem với tên gọi Survivor (người sống sót). Từ năm 2001, dựa trên phiên bản của Mỹ, hãng Adventure Line Production (ALP) xây dựng chương trình với tên gọi Koh Lanta. Koh Lanta được trình chiếu trên kênh TF1 của Pháp vào mỗi dịp hè thu hút hàng chục triệu người xem. Trước khi đến Việt Nam, chương trình đã được thực hiện ở nhiều nước có phong cảnh đẹp nổi tiếng thế giới như Costa Rica, Panama, Brazil, Philippines, đảo Palau (phía Nam Thái Bình Dương), vịnh New Caledonia (Pháp), cộng hoà Vanuatu…
Theo Trung tâm báo chí nước ngoài (Bộ Ngoại giao), để tìm kiếm những cảnh quay phù hợp với nội dung kịch bản và yêu cầu của các trò chơi, từ tháng 7-2009, được sự đồng ý của các bộ ngành Trung ương, ALP đã tiến hành khảo sát nhiều vùng miền của Việt Nam và cuối cùng chọn Côn Đảo thực hiện chương trình. Bằng nhiều kỹ thuật ghi hình hiện đại, hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Côn Đảo với hệ sinh thái rừng biển nguyên sinh kết hợp núi cao, vực thẳm và hệ động vật phong phú sẽ được lồng ghép thông qua diễn biến mỗi trò chơi.
16 người tự nguyện tham gia cuộc thi gồm 8 nam và 8 nữ được chia thành 2 đội sống trên hai hòn đảo là Vịnh Đầm Tre và Hòn Bảy Cạnh. Họ phải trải qua 28 trò chơi vượt thử thách và chướng ngại vật được bố trí sẵn trên Hòn Cau, Bãi Đầm Trầu, Bãi Vông và Mũi Lò Vôi. Chướng ngại vật có thể do tự nhiên hoặc được Ban tổ chức bố trí. Thử thách có 2 loại là thi có thưởng và thi thể lực. Mỗi thí sinh chỉ được phép mang theo một túi xách gồm một quần dài, một áo thun, hai bộ đồ để thay đổi, một áo len, một đôi tất, một bộ đồ bơi, một đôi giày và một đôi dép. Họ phải tự xây dựng nơi ở, tìm thức ăn, nước uống, tạo lửa để duy trì sự sinh tồn trong những điều kiện thiếu thốn trên đảo. Để bảo đảm tính công bằng và giúp người chơi phát huy trí thông minh, sáng tạo, khả năng làm việc theo nhóm, các địa điểm diễn ra trò chơi được phong toả và canh phòng cẩn mật để không cho thí sinh tiếp cận được với thế giới bên ngoài trong những ngày diễn ra trò chơi.
Theo quy định của chương trình, cứ sau 3 ngày cọ xát tại hiện trường sẽ có một người bị loại khỏi cuộc chơi căn cứ vào lá phiếu bầu chọn của chính những người chơi chung và hội đồng nhóm. Khi chỉ còn lại 8 đến 11 người chơi, hai đội sẽ được kết hợp lại thành một nhóm. 4 người lọt vào vòng chung kết sẽ phải thuyết trình trước ban giám khảo vì sao họ là ứng cử viên xứng đáng nhất cho chức vô địch. Sau đó, họ cùng bước vào 2 thử thách cuối là định hướng và giữ thăng bằng. Người chiến thắng ở vòng chung kết sẽ được nhận phần thưởng 100.000 Euro. Người về nhì được 10.000 Euro. Trong trường hợp không phân chia được thắng bại ở vòng chung kết, mỗi thí sinh được nhận 55.000 Euro.
Tất cả các mô hình trò chơi, thiết bị, đạo cụ được hãng ALP chuẩn bị trước đó hơn 1 tháng và dàn dựng công phu để tạo tính gay cấn, lôi cuốn sự tò mò, hấp dẫn người chơi đến phút cuối cùng. Gần 100 người được huy động để phục vụ chương trình, trong đó có khoảng 20 người Việt Nam giúp việc ở các bộ phận phiên dịch, hậu cần.
Như vậy, lần đầu tiên Côn Đảo được một hãng truyền hình nổi tiếng thế giới chọn làm phim trường cho một trò chơi mang tính phiêu lưu mạo hiểm, chứng tỏ giá trị thiên nhiên của Côn Đảo không thua kém so với nhiều nước trên thế giới. Thời lượng phát sóng các tập phim dài và liên tục là cơ hội quảng bá hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Côn Đảo đến người xem truyền hình Pháp và các nước châu Âu, mở ra tín hiệu khả quan cho phát triển du lịch Côn Đảo trong những năm tới.
Minh Hiền