Thành Nhân (giữa) và những người bạn nước ngoài trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. |
Nguyễn Thành Nhân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhân đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc môn Tin học lớp 12 khi đang là học sinh lớp 11 Chuyên Toán - Tin, khối PTTH Chuyên, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Lên lớp 12, cũng trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc Tin học, Nhân giành giải nhất. Trong cuộc thi vòng loại khu vực, chọn ra những đội tốt nhất vào dự thi chung kết thế giới cuộc thi lập trình viên quốc tế năm 2008, đội của Nhân đã xuất sắc vượt qua 78 đội của hơn 30 trường đại học khác, (trong đó có những trường danh tiếng nhất nước Mỹ như Stanford, Berkeley), giải được toàn bộ 11 bài toán, đứng thứ nhất khu vực Tây Bắc- Thái Bình Dương.
“SỐ MỘT” KHU VỰC TÂY BẮC- THÁI BÌNH DƯƠNG
Cuộc thi quốc tế hàng năm về lập trình cho sinh viên các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (thường được gọi là cuộc thi lập trình ACM) thu hút rất nhiều sinh viên các trường ĐH trên thế giới tham gia. Đầu tiên các trường ĐH, cao đẳng thi chọn các đội của trường, mỗi đội 3 người (là sinh viên ĐH hoặc học viên cao học). Cuộc thi lập trình viên quốc tế năm 2008 có 9.405 đội của 2.031 trường thuộc 83 nước được lựa chọn. Tiếp theo, vòng loại được tổ chức ở các khu vực, mỗi khu vực chọn từ 2 đến 3 đội dự thi chung kết thế giới. Từ 9.405 đội, qua vòng loại khu vực, chỉ lựa chọn 100 đội tham dự chung kết thế giới. Tại vòng loại khu vực, đội của Nguyễn Thành Nhân đã giải được toàn bộ 11 bài, giành vị trí số 1 trong 78 đội thuộc các trường ĐH của Mỹ và Canada ở khu vực Tây Bắc- Thái Bình Dương.
Nguyễn Thành Nhân sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là giảng viên một trường đại học lớn tại Hà Nội. Có lẽ ngay từ ngày Nhân chào đời, khát vọng của cha mẹ là con “thành người” nên đã đặt tên anh là “Thành Nhân”. Nhà có 2 chị em, bố mẹ giáo dục con theo tinh thần bình đẳng giới nên ngoài giờ học, Nhân nhặt rau, rửa bát, nấu cơm,… không khác gì chị gái. Không chỉ học giỏi, chịu khó làm việc nhà, Nhân còn yêu thích thể thao. Những năm học PTTH, 3 năm Nhân làm lớp trưởng, và là đội trưởng đội bóng đá lớp. Cũng nhờ rèn luyện thể thao mà Nhân có đủ sức khỏe và được tiếp thêm nghị lực trong những ngày đầu sống xa nhà, nơi đất khách quê người.
Thời gian Nhân học Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách những người đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia như Nhân được miễn thi tốt nghiệp, và được xếp tốt nghiệp loại giỏi. Nhưng đến khi xét đi du học với học bổng của nước ngoài cấp thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo Nhân trượt từ “vòng gửi xe đạp”, vì tiêu chuẩn là phải đạt 56 điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
KHÔNG NGẠI RỬA BÁT VÀ GỌT KHOAI TÂY
Không đi được theo diện xét tuyển, bố mẹ Nhân quyết định cho Nhân lên đường du học tự túc. Nhân cũng tự xác định cho mình tâm lý sống tự lập trên đất khách. Sáu năm qua, người ta thấy một chàng trai Hà thành Nguyễn Thành Nhân chăm chú trên giảng đường, cặm cụi trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Bill Havens – Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo để giải bài toán tối ưu hoá thời gian biểu của 3 vệ tinh hay tối ưu hoá lịch trình của máy bay kiểm soát bờ biển Canada,… nhưng hình ảnh một thanh niên Việt rửa bát ở quán “phở Việt Nam” hoặc gọt khoai tây ở một nhà hàng Pháp cũng làm không ít người khâm phục. Lý do hàng đầu để Nhân đi làm thêm không phải vì áp lực tiền nong, mà muốn làm những công việc này để biết người lao động chân tay vất vả như thế nào, để hiểu có được đồng tiền phải khó nhọc ra sao, để kết hợp lao động trí óc và lao động chân tay, thay đổi môi trường làm việc tạo thư giãn và học tập hiệu quả hơn” - Nhân nói. Ngoài ra, Nhân còn học thêm kỹ năng nấu ăn để phục vụ chính mình khi sống xa nhà, thậm chí học cách ăn của người nước ngoài, từ cách cầm dao, cầm dĩa đến ăn món nào trước, món nào sau cũng cần phải học.
“LỌT MẮT XANH” CÁC GIÁO SƯ HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI NGAY TỪ NĂM ĐẦU TIÊN
Trước khi sang Canada, Nhân chưa bao giờ sống xa gia đình, không quen biết ai ở Canada nên thời gian đầu sang đây, anh như chuyển đến một thế giới hoàn toàn khác. Anh lạ lẫm với cảnh tuyết rơi, khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh, chưa quen với phương pháp giảng dạy tích cực và phải tự xoay xở cuộc sống của bản thân, khi chỉ có một mình. Tuy nhiên, với cách nghiên cứu “học ra học, chơi ra chơi”, làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm, dần dần Nhân đã vượt qua thế bị động khi tham gia guồng làm việc tại trường và Nhân thường đạt hiệu quả cao.
Sau khi vững tiếng Anh, tháng 9-2003, Nhân vào học ngành Khoa học máy tính tại trường Đại học Simon Frather (SFU) - một trường đại học danh tiếng ở Bắc Mỹ. Ngay từ năm thứ nhất, các giáo sư ở đây đã phát hiện Nhân có khả năng về thuật toán và lập trình nên đã đưa Nhân vào bồi dưỡng, luyện tập trong những đội sinh viên giỏi (mỗi đội có 3 sinh viên làm việc theo nhóm). Tháng 11 năm 2004, vượt qua vòng loại, Đội của Nhân đã được chọn đi dự thi cuộc thi lập trình ACM khu vực Tây Bắc - Thái Bình Dương tại Mỹ và lập nên thành tích đầy ấn tượng: Lập trình giải trọn vẹn được 10 bài. Ngay năm đó, giáo sư Bill Havens - Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo của SFU đã mời Nhân làm trợ lý khoa học cho Dự án Tối ưu hoá thời gian biểu cho các vệ tinh quan sát trái đất của Canada. Trong một lá thư gửi về cho bố Nhân, giáo sư Bill Havens viết: “Chúng tôi rất vui mừng có Nhân làm việc trong phòng thí nghiệm. Anh ấy là một chàng trai trẻ rất thông minh, một người dành hết tâm trí để nghiên cứu. Thật khó mà tìm được những sinh viên như Nhân”. Năm sau, giáo sư Bill Havens lại mời Nhân tham gia đề tài “Tối ưu hoá lịch trình cho máy bay kiểm soát bờ biển”.
Không chỉ tham gia nghiên cứu, năm nào Nhân cũng vượt qua vòng loại để được đi thi sinh viên lập trình cấp khu vực và quốc tế. Nhân vẫn giữ niềm đam mê với những kỳ thi sinh viên giỏi như thời học sinh. Nhân cho biết: “Đây là kỳ thi lớn cho sinh viên Tin học toàn thế giới. Mình là dân lập trình thì luyện thi và đi thi cũng là một cách nâng cao tay nghề, nhưng cái chính là qua các kỳ thi được giao lưu, học hỏi, làm quen được với những người cực giỏi ở khắp năm châu”.
ĐƯỢC GOOGLE, MICROSOFT, IBM VÀ NGÂN HÀNG NEWYORK “SĂN ĐÓN”
Đúng 1 tuần sau khi tham dự kỳ thi ACM quốc tế năm 2006, Nguyễn Thành Nhân nhận được lời mời của đại gia số 1 thế giới trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng: Google. Nhưng không phải là lời mời sang làm việc mà là chỉ là mời Nhân sang tham quan đại bản doanh của Google tại California (Mỹ), để hiểu biết thêm về “văn hoá Google”. Năm đó Nhân đang là sinh viên năm thứ ba.
Trước khi tốt nghiệp đại học 6 tháng, Nhân đứng trước sự lựa chọn không mấy dễ dàng: Nhận lời mời làm việc của tập đoàn Microsoft hay nhận học bổng học tiếp Cao học của trường Đại học British Columbia – trường ĐH đứng thứ 2 ở Canada và đứng thứ 33 trên thế giới. Cuối cùng Nhân quyết định học tiếp cao học. Năm 2007, Nhân trở thành sinh viên Cao học của trường Đại học British Columbia danh tiếng và ngay lập tức trở thành trợ giảng môn “thuật toán” cho sinh viên năm thứ ba.
Vừa rồi Nhân nhận được điện thoại từ Ngân hàng đầu tư Newyork với lời nhắn của người cán bộ tuyển dụng: “Khi nào anh tốt nghiệp, xin vui lòng báo tin cho chúng tôi biết”. Nhân đã lọt vào tầm ngắm của Ngân hàng này lúc nào không biết.
Mai Hương