Dập tắt khói thuốc nơi công cộng
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ năm 2013. Các chế tài xử phạt hành vi vi phạm Luật này cũng đã có, nhưng thực tế số người bị xử phạt vì hút thuốc nơi công cộng còn rất khiêm tốn. Khói thuốc lá vẫn hàng ngày đầu độc bao người.
Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng còn phổ biển. (Ảnh có tính chất minh họa). |
Mấy hôm trước, cha tôi bị bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày tại một bệnh viện trung ương. Tôi không có gì để phàn nàn về công tác chăm sóc bệnh nhân nhưng lại rất buồn trước thực trạng hút thuốc lá bừa bãi trong khuôn viên bệnh viện. Số lượng bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện rất đông. Đi cùng mỗi người bệnh ít nhất là một người thân, chưa kể bà con, đồng nghiệp tới thăm. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định cấm hút thuốc trong nhà và khuôn viên bệnh viện. Thế nhưng, tại sân và hành lang bệnh viện, người nhà bệnh nhân, thậm chí cả nhân viên y tế vẫn vô tư hút thuốc. Bãi giữ xe máy với hàng ngàn chiếc, có biển cấm hút thuốc nhưng nhiều người vẫn hút rồi vứt bỏ tẩu thuốc còn cháy dở ngay dưới chân. Nhiều lần chứng kiến, tôi thực sự lo sợ, bởi nếu tàn thuốc kia bắt lửa thì hậu quả sẽ rất khó lường. Điều đáng buồn hơn nữa là hành vi hút thuốc lá của nhiều người diễn ra ngay trước mắt bảo vệ, nhân viên y tế của bệnh viện nhưng tuyệt nhiên không có ai nhắc nhở, cảnh báo.
Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu: Cổng trường học, công viên, đường phố, chợ, bến xe… Thậm chí, nhiều ông bố vừa lái xe máy trên đường vừa phì phèo thuốc lá, dù phía sau chở theo vợ và con.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư. Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Mỗi năm, nước ta có khoảng 40 ngàn người chết vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Đây là những con số rất đáng báo động. Vậy nhưng vì sao những cảnh báo về tác hại của thuốc lá, vì sao Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không được thực thi nghiêm túc?
Trước hết, nhiều người hút thuốc lá có ý thức kém. Khi cơn thèm thuốc ập đến, họ vô tư hút mà không hề để ý đến người xung quanh. Lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt người hút thuốc lá khá rộng gồm: Chủ tịch UBND các cấp, thanh tra y tế, quản lý thị trường; công an nhân dân; bộ đội biên phòng; cảnh sát biển… Tuy nhiên, số người hút thuốc lá nơi cấm hút bị xử phạt rất hiếm, bởi lực lượng thuộc các cơ quan, đơn vị kể trên mỏng, trong khi còn phải làm việc chuyên môn. Hơn nữa, hành vi vi phạm thường diễn ra nhanh, người vi phạm dễ phi tang chứng cứ và chối cãi khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt người hút thuốc không đúng nơi quy định còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ ban hành “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”, trong đó có các điều khoản cụ thể về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng cấm người dưới 18 tuổi mua-bán và hút thuốc lá. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người ở độ tuổi dưới 18 vẫn vô tư hút thuốc mà không bị ai nhắc nhở, xử phạt.
Để giảm thiểu khói thuốc nơi cộng đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần đánh thuế cao đối với thuốc lá, bởi giá thuốc lá ở nước ta hiện nay còn quá rẻ, hầu như ai cũng có thể mua được. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Việc tuyên truyền nên bắt đầu từ đối tượng học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường để hình thành ý thức nơi họ khi trưởng thành. Việc làm này đòi hỏi sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
Song song đó, Chính phủ cần nghiên cứu nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để đủ sức răn đe. Thực tế cho thấy, nhiều người ở trong nước thì hút thuốc lá bừa bãi, nhưng khi ra nước ngoài, thấy biển cấm hút thuốc là họ không dám vi phạm. Lý do là vì nước sở tại xử phạt rất nặng, bao gồm cả phạt tiền lẫn phạt tù hoặc buộc phải lao động công ích. Cuối cùng, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần lắp đặt bảng cấm hút thuốc tại những nơi cấm theo Luật; đồng thời tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử phạt những người vi phạm. Có như vậy, hành vi hút thuốc lá nơi công cộng mới được kéo giảm.
NGUYỄN ĐỨC