Sạt lở nghiêm trọng tại bờ đê hữu Bến Lội - Bình Châu
Khu vực bờ đê hữu của Khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội - Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thân đê.
Một đoạn bờ đê hữu bị sạt lở lõm sâu vào tận thân đê. |
Từ đầu năm nay, tình trạng sạt lở phía bên phải bờ đê hữu liên tục xảy ra. Các lớp đá gia cố gần thân đê hữu cũng bị cuốn xuống biển và đang có xu hướng tiếp tục sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (ngụ xã Bình Châu) cho biết, những năm trước vẫn xảy ra sạt lở tại đây, nhưng năm nay tình trạng này nghiêm trọng hơn. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại. “Tôi tắm biển ở đây thường xuyên nên nhận thấy rất rõ bờ đê hữu bị sạt lở làm lõm sâu vào tận chân đê. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến thân đê”, ông Mạnh nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Châu xác nhận có xảy ra tình trạng sạt lở bờ đê hữu tại Khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội - Bình Châu. Sau khi tiếp nhận thông tin, giữa tháng 2 vừa qua, địa phương đã phối hợp cùng ban, ngành của huyện khảo sát thực tế, kiểm tra vị trí sạt lở để có cơ sở báo cáo, kiến nghị UBND huyện, UBND tỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Xuyên Mộc đã có công văn gửi UBND tỉnh về tình hình sạt lở bờ đê hữu của khu neo đậu. Theo đó, chính quyền địa phương đã khảo sát thực tế và ghi nhận hiện trạng phía bên phải đê hữu từ vị trí gia cố cốp pha trụ chắn sóng vào gốc chân đê dài khoảng 50m bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều phần đá (kích thước lớn) gia cố mái taluy bảo vệ thân đê bị sạt lở, có đoạn đã sạt lở vào tới chân đê, gây mất an toàn cho thân đê hữu.
Qua kiểm tra, phần đá bảo vệ thân đê bị sạt lở kéo dài khoảng 50m, chiều dài toàn bộ khu vực bị sạt lở và ảnh hưởng dài khoảng 80m (trong đó có 30m nguy cơ tiếp tục sạt lở). Về giải pháp trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện tiến hành gia cố tạm thời bằng cách sử dụng nguồn cát nạo vét tại cửa vào khu neo đậu rồi bơm ra chân đê hữu. Giải pháp này nhằm hạn chế việc sạt lở đá bờ đê, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng đến thân đê hữu.
Về giải pháp lâu dài, vị trí sạt lở đê hữu thuộc gói thầu xây lắp số 7 (Xây lắp đê chắn cát, giảm sóng, nạo luồng và phao tiêu báo hiệu) đã được khởi công xây dựng năm 2009 và hoàn thành vào năm 2011. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vào tháng 12/2014 và đã bàn giao, tiếp nhận hiện trạng tài sản công cho Ban Quản lý cảng cá Lộc An (nay là Ban Quản lý cảng cá tỉnh) thuộc Sở NN-PTNT.
Vì vậy, UBND huyện Xuyên Mộc đề nghị UBND tỉnh giao cho cơ quan cấp tỉnh khảo sát và sửa chữa sạt lở đê hữu tại khu neo đậu nhằm có phương án khắc phục.
“Vị trí sạt lở thuộc Sở NN-PTNT quản lý. Địa phương khi nắm tình hình cũng đã có phương án xử lý tạm thời. Chúng tôi đang nạo vét khơi thông luồng lạch tại cửa khu neo đậu và bơm cát ra chân đê hữu để hạn chế việc sạt lở xảy ra. Thời gian tiếp theo cần chờ phương án xử lý triệt để hơn từ đơn vị quản lý”.
(Ông Nguyễn Hữu Lâu, Giám đốc Ban Quản lý Dự án
đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Xuyên Mộc)
|
Ông Nguyễn Hữu Lâu, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện cho biết, cửa sông Bến Lội - Bình Châu được đầu tư chỉnh trị bằng hai đê mỏ hàn chắn sóng, chắn cát. Tuy nhiên, hiện tượng bồi lấp ở cửa sông và xói lở, sạt lở ở phía Nam đê hữu vẫn thường xảy ra.
Từ khi xây dựng đê mỏ hàn, bãi biển phía Nam đê hữu bị thiếu cát (do mất cân bằng bùn cát sau khi phần lớn cát đã bồi tụ vào phía Bắc đê tả) điều này dẫn đến bị xói lở. Qua theo dõi, việc xói lở phía Nam đê hữu và sạt lở bờ đê hữu đã diễn ra nhiều năm, tuy nhiên tình hình sạt lở được ghi nhận vào đầu năm 2025 là nghiêm trọng hơn các năm trước.
Bài, ảnh: HÀN LẬP