.

Khổ vì đường không tên, nhà không số

Cập nhật: 18:29, 20/01/2025 (GMT+7)

Gần 15 năm nay, người dân tổ 20, khu phố Tân Hạnh, phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) phải sống trong cảnh "đường không tên, nhà không số", dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch...

Không có tên đường, số nhà, người dân tổ 20, khu phố Tân Hạnh, phường Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ) đã phải tự đặt số nhà để thuận lợi giao dịch trong cuộc sống hàng ngày.
Không có tên đường, số nhà, người dân tổ 20, khu phố Tân Hạnh, phường Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ) đã phải tự đặt số nhà để thuận lợi giao dịch trong cuộc sống hàng ngày.

Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, các hộ dân cho biết, họ sống ở khu vực trên gần 15 năm nay. Tuy nhiên đến nay, đường giao thông thuộc khu này chưa được đặt tên, kéo theo nhà của người dân cũng chưa có số. Thực trạng này khiến người dân khi giao dịch mua bán hàng hóa; gửi thư từ, giấy tờ bằng phương thức chuyển phát qua bưu điện hoặc thông qua nhân viên giao, nhận hàng gặp khó khăn, bất tiện.

Bà Vũ Thị Tuyết (tổ 20, khu phố Tân Hạnh) chia sẻ, bà sống ở đây từ năm 2006. Thực trạng "đường không tên, nhà không số" khiến đời sống của gia đình bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi giao nhận hàng hóa hay có khách đến chơi, bà phải ra đầu đường để giao dịch, đón khách.

“Đơn hàng bị trả về không biết bao nhiêu lần vì shipper không tìm ra địa chỉ. Chúng tôi phải tự đặt tên đường là Ngô Sỹ Liên, tự đánh số nhà, nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào", bà Tuyết nói.

Không chỉ bất tiện khi mua bán hàng hóa, việc không có địa chỉ cụ thể còn khiến người dân gặp vô số rắc rối khi làm các giấy tờ liên quan như hồ sơ nhà đất, giấy tờ tùy thân, hoặc khai báo tạm trú. Thậm chí, ngay cả những việc đơn giản như mời người thân ghé thăm nhà cũng thành rào cản lớn. “Người thân từ xa đến chơi, phải gọi điện thoại hướng dẫn đường đi 3-4 lần nhưng cũng không tìm ra nhà. Cuối cùng, tôi phải chạy ra tận đầu đường đón. Đó là chưa kể nhiều lần nhầm nhà, nhầm người khiến khách và chủ đều ngại ngùng”, ông Mai Hữu Thái, người dân sống ở khu vực tổ 20, chia sẻ câu chuyện đầy trớ trêu.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực các hộ dân sinh sống trên thuộc khu tái định cư Tân Hạnh (phường Phú Mỹ). Khu tái định cư này đưa vào sử dụng hơn 10 năm nay. Đoạn đường người dân phản ánh tiếp giáp với công viên Tân Hạnh, dài khoảng 1km, hiện có hơn 10 gia đình đang sống. Đối diện đoạn đường này là đường Ngô Sỹ Liên. Tuy khu vực này đã chật kín nhà dân nhưng vẫn chưa được đặt tên đường, đánh số nhà. Để thuận lợi cho việc tìm kiếm, giao dịch, một số hộ dân đã tự đặt tên đoạn đường này là "Ngô Sỹ Liên" và ghi số nhà theo dãy số chẵn, khác dãy số với đường Ngô Sỹ Liên đối diện.

Thế nhưng, theo người dân, đây chỉ là cách "chữa cháy", bởi vẫn còn đó những lá thư không người nhận, những gói hàng giao sai địa chỉ hoặc hồ sơ bị trả về vì thiếu thông tin. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm đặt tên đường, cấp số nhà để ổn định cuộc sống người dân", bà Trần Thị Bích, một cư dân ở đây kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ thừa nhận, người dân ở khu tái định cư Tân Hạnh gặp khó khăn do nơi đây chưa có tên đường, số nhà. Phường đã tổng hợp nhu cầu cấp bảng số nhà trên địa bàn và trình lên UBND TX.Phú Mỹ xem xét phê duyệt. Khu vực tổ 20, khu phố Tân Hạnh sẽ nằm trong giai đoạn 2 của đề án cấp số nhà, dự kiến triển khai vào quý 1/2025.

“Việc đặt tên đường, cấp số nhà là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người dân, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý đô thị. Hiện phường đang phối hợp với phòng, ban liên quan để đẩy nhanh tiến độ và giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Khương thông tin.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.