Cục An toàn thông tin cảnh báo 2 hình thức lừa đảo trực tuyến
Ngày 6/1, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra cảnh báo về hai hình thức lừa đảo trực tuyến tinh vi gia tăng vào dịp cận Tết Nguyên đán.
Người dân cần cẩn trọng với các chiêu trò đổi tiền lì xì online. |
Cảnh báo về dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới
Theo Cục An toàn thông tin, vào thời điểm cận Tết, nhu cầu đổi tiền lẻ (tiền mới) để lì xì hoặc phục vụ các hoạt động tiêu dùng tăng cao, tạo cơ hội cho các dịch vụ đổi tiền online xuất hiện tràn lan.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "đổi tiền lì xì Tết" trên mạng xã hội, hàng trăm bài đăng và hội nhóm sẽ hiện ra với những lời mời gọi hấp dẫn như "tiền thật", "tiền mới", "giá rẻ nhất thị trường". Một số chủ tài khoản thậm chí còn nhận "đổ buôn" tiền lẻ, tuyển cộng tác viên đăng bài quảng cáo. Mức phí đổi tiền dao động từ 2 - 3% đối với tiền đã qua sử dụng và từ 5 - 6% đối với tiền mới.
Tuy nhiên, Cục An toàn thông tin cảnh báo rằng các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có trường hợp nạn nhân nhận lại tiền không đủ số lượng như cam kết hoặc nhận phải tiền giả. Nhiều người sau khi chuyển khoản đã bị chặn liên lạc, mất tiền cọc và không thể truy cứu do lo ngại liên quan đến việc mua bán tiền giả.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện giao dịch đổi tiền qua mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các đơn vị kinh doanh có uy tín và giấy phép hợp pháp.
Nếu phát hiện các hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hoặc các hoạt động lừa đảo, cần trình báo ngay đến cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo tài chính
Một hình thức lừa đảo khác được Cục An toàn thông tin cảnh báo là mạo danh nhân viên ngân hàng nhằm lừa đảo vay tiền hoặc đáo hạn khoản vay.
Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên ngân hàng lớn, gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng với lý do "thông báo về các gói vay ưu đãi" hoặc "cập nhật thông tin tín dụng". Sau đó, họ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước công dân (CCCD), số tài khoản ngân hàng, mức thu nhập và mục đích vay.
Nếu khách hàng đang có khoản vay, các đối tượng sẽ thông báo rằng "đã đến hạn thanh toán" hoặc "cần gia hạn khoản vay" để tạo tâm lý lo lắng. Qua đó, chúng dụ dỗ khách hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin nhấn mạnh người dân cần thận trọng với các cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện giao dịch tài chính. Trong mọi trường hợp, nên trực tiếp liên hệ ngân hàng để xác minh thông tin trước khi đưa ra quyết định.
Đồng thời, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật các thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng và báo cáo ngay các trường hợp nghi ngờ lừa đảo đến cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
NGUYỄN THI (Tổng hợp)