Giải tỏa đăng, đáy ở khu vực Trại Nhái, TP.Vũng Tàu: Không có cơ sở hỗ trợ cho người dân
Người dân làm nghề đăng, đáy tại ven biển khu vực Trại Nhái, phường 12 (TP.Vũng Tàu) mong được chính quyền hỗ trợ chuyển đổi nghề sau khi trả lại hiện trạng mặt biển tại khu vực này.
Hàng đăng người dân cắm để khai thác tại ven biển khu vực Trại Nhái, phường 12, TP. Vũng Tàu. |
Tại ven biển khu vực Trại Nhái, phường 12, có một số cá nhân, tổ chức đang lấn chiếm, sử dụng mặt nước vùng ven biển để làm nghề đăng, đáy không đúng quy định.
Để chấm dứt tình trạng trên, UBND phường 12, đã kiểm tra và ngày 5/11, đã có thông báo yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ của các đăng, đáy (ở ven bờ) tại khu vực Trại Nhái tự giác khôi phục hiện trạng ban đầu (tháo dỡ, di dời vật dụng, ngư cụ các hàng đăng đáy). Sau thời gian 7 ngày (kể từ ngày ra thông báo), các cá nhân, tổ chức không thực hiện biện pháp khôi phục lại hiện trạng ban đầu, UBND phường 12, sẽ lập hồ sơ cưỡng chế theo quy định.
Sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương, các cá nhân, tổ chức đang làm nghề đăng, đáy tại khu vực này đã có đơn khiếu nại, mong muốn được giữ lại dàn đăng để mưu sinh. Trong trường hợp bắt buộc phải di dời, tháo dỡ, người dân mong chính quyền địa phương hỗ trợ chi phí vật dụng làm đăng và chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.
Theo người dân, họ đã làm nghề đăng, đáy tại khu vực này từ năm 1993. Đây là công việc chính để họ nuôi sống gia đình qua nhiều thế hệ. Do đó, việc chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ, di dời trong thời gian ngắn khiến họ không kịp kiếm công việc khác.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Đức Khanh, Chủ tịch UBND phường 12 (TP.Vũng Tàu) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Vũng Tàu trong xử lý vi phạm hành chính về đất đai, khoáng sản tại khu vực Trại Nhái, UBND phường đã ra thông báo yêu cầu người dân tự giác tháo dỡ, di dời các đăng, đáy tại đây. Phường cũng đã tiến hành họp dân để thông báo, giải thích, đồng thời, vận động người dân tự giác chấp hành. Tuy nhiên, người dân chưa chấp hành và có đơn khiếu nại gửi chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ chi phí và tạo công ăn việc làm mới.
Ông Khanh cho biết thêm, toàn bộ khu vực người dân đang sử dụng để làm đăng, đáy khai thác thủy sản đều thuộc đất công do nhà nước quản lý, người dân tự ý lấn chiếm, sử dụng là trái quy định pháp luật.
Khoản 4, Điều 27 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nêu rõ: Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nghề cấm, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản. |
Tại khoản 7, Điều 1 Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản của Bộ NN-PTNT quy định: Nghề đăng, đáy thuộc danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản. Như vậy, hoạt động sử dụng ngư cụ đáy để khai thác thủy sản của các cá nhân thuộc khu vực Trại Nhái là hành vi bị cấm trong lĩnh vực thủy sản. Do đó, các cá nhân, tổ chức đang làm nghề đăng, đáy tại khu vực này không thuộc đối tượng hỗ trợ và chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định của nhà nước và buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện di dời, tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.
UBND phường 12 cũng đã có văn bản trả lời khiếu nại của người dân và yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
“Nếu người dân không tự giác tháo dỡ, di dời các đăng, đáy đang sử dụng ở vùng ven biển tại khu vực Trại Nhái, chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế, thu hồi để trả lại hiện trạng ban đầu”, ông Khanh nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC