.

Cây ngã đổ gây tai nạn: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Cập nhật: 18:23, 19/08/2024 (GMT+7)

Gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn do cây xanh gãy đổ khiến người đi đường bị thương tích (có trường hợp thiệt mạng), tài sản bị hư hỏng. Đường dây nóng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được nhiều câu hỏi từ người dân “Ai chịu trách nhiệm bồi thường khi có cây gãy gây tai nạn?”.

Công nhân hạ chiều cao cây xà cừ tại đường Nguyễn Du, TP.Vũng Tàu.
Công nhân hạ chiều cao cây xà cừ tại đường Nguyễn Du, TP.Vũng Tàu.

Mới đây, tại công viên Tao Đàn, phường Bến Thành, quận 1 (TP.HCM) đã xảy ra sự cố gãy nhánh cây cổ thụ có chu vi khoảng 1,2m, rơi từ độ cao khoảng 25m xuống khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người còn lại phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau sự việc này, ngoài lo lắng, nhiều người bày tỏ thắc mắc về việc gia đình các nạn nhân có được bồi thường hay không.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các vụ cây xanh ngã đổ cũng xảy ra khá nhiều. Đơn cử, tháng 4 vừa qua, trước cửa hàng số 150, đường Bacu (phường 3, TP.Vũng Tàu), một cây osaka vàng đã bật gốc, đè lên chiếc ô tô bán tải đang đậu dưới lòng đường khiến phương tiện này bị hư hỏng. Rất may không có thiệt hại về người.

Theo bà Nguyễn Thị Nữ (đường 30/4, phường 10, TP.Vũng Tàu), ra đường, nhất là vào thời điểm mưa to gió lớn, người dân lo sợ cây xanh gãy đổ ảnh hưởng đến tính mạng và thiệt hại tài sản. Thực tế, tình trạng cây gãy đổ gần như năm nào cũng xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. “Là người dân, tôi chỉ muốn được an toàn khi đi đường, nhưng nếu lỡ tai nạn đáng tiếc xảy ra thì ai có trách nhiệm bồi thường cho các trường hợp bị nạn ”, bà Nữ thắc mắc.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, luật gia Võ Ngọc Giáp, Hội Luật gia TP.Vũng Tàu cho biết, theo quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra trong trường hợp xảy ra sự cố cây xanh ngã, nhánh cây rớt, gây thương tích, chết người hoặc hư hỏng tài sản.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, điều 584, Bộ luật dân sự 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Theo khoản 1, Điều 156 Bộ luật dân sự  2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Theo Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC), nguyên nhân cây xanh gãy đổ, bật gốc có thể là do quá trình đô thị hóa nhanh khiến rễ cây không ăn sâu vào lòng đất; cây bị sâu bệnh, mục rỗng. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như: người dân thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, cây trồng trên nền đất cát nhiễm mặn và bùn lầy, dẫn đến độ bám của rễ giảm theo thời gian.

UPC kêu gọi người dân có ý thức bảo vệ cây xanh, không đổ các loại chất thải, xà bần, cặn bã dầu mỡ… vào gốc cây vì những loại chất thải sẽ làm cho gốc cây yếu, sẽ không ăn sâu vào đất, dễ dẫn đến ngã, đổ.

Bài, ảnh: MẠNH VŨ

 
.
.
.