Các tỉnh ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới
Áp thấp sáng 15/7 ở trên vùng biển Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8, hướng với khu vực Đà Nẵng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h.
Đến sáng 16/7, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng di chuyển với tốc độ khoảng 15 km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Dự báo vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia |
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên nhiều vùng biển có gió giật mạnh, biển động. Theo đó, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động; Khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6. Biển động.
Áp thấp nhiệt đới cũng gây sóng lớn trên hầu khắp các vùng biển. Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau sóng biển cao 2-4 m; vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sóng biển cao 1,5-3 m; vịnh Bắc Bộ sóng biển cao từ 1,5-2,5 m.
Trên đất liền, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo từ 15 đến 17/7, áp thấp nhiệt đới gây mưa to ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm; khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-150 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm.
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục gửi công điện tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan, trong đó yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ về ứng phó thời tiết xấu trên biển và mưa lớn diện rộng.
Đối với khu vực ven biển, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ.
Trên đất liền, các địa phương cần tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan…
NGUYỄN THI (Tổng hợp)