.

Xung quanh phản ánh việc thu chi tại chợ Bà Rịa

Cập nhật: 17:28, 13/06/2024 (GMT+7)

Đường dây nóng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được phản ánh của bạn đọc về việc thu nhập của người lao động thuộc Ban Quản lý (BQL) chợ Bà Rịa bị giảm sút; một số khoản thu tại chợ không có hóa đơn, chứng từ. Phóng viên đã tìm hiểu vụ việc.

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, chợ Bà Rịa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới các khoản thu nhập của người lao động tại đây.
Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, chợ Bà Rịa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới các khoản thu nhập của người lao động tại đây.

Nội dung phản ánh của bạn đọc (đề nghị giấu tên) nêu, thời gian qua, người lao động đang làm việc tại BQL chợ Bà Rịa không nhận được các khoản tăng thu nhập khác ngoài lương, khiến cuộc sống khó khăn. 

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Phong, Trưởng BQL chợ chỉ đạo nhân viên thu tiền chỗ ngồi của tiểu thương tại hành lang khu bán đồ tươi sống, trong khi họ đã ký hợp đồng với chợ. Ngoài ra, một số khoản thu không có hóa đơn, chứng từ, thu phí nhà vệ sinh lưu động không rõ ràng, gây thất thoát nguồn thu.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Phong, Trưởng BQL chợ Bà Rịa cho biết, từ năm 2018, chợ Bà Rịa hoạt động tự chủ 100%. Theo đó, từ năm 2019, chợ phải thực hiện đóng tiền thuê đất theo đề án sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thay đổi cơ chế quản lý khiến hoạt động thu chi tại chợ có nhiều thay đổi. 

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong 7-8 tháng liền, chợ Bà Rịa buộc phải đóng cửa để phòng, chống dịch. Từ đó đến nay, hoạt động của chợ gặp nhiều khó khăn, sức mua, bán giảm hơn 40%. Nhiều sạp phải đóng cửa do kinh doanh thua lỗ, khiến nguồn thu của chợ bị ảnh hưởng.

Hiện nay, BQL chợ có 71 người đang làm việc, trong đó có 9 viên chức, còn lại là lao động hợp đồng. Tổng thu của chợ Bà Rịa khoảng 15 tỷ đồng/năm. Trong đó, tiền thuê đất phải nộp khoảng 3,4 tỷ đồng, nộp về ngân sách TP.Bà Rịa hơn 4 tỷ đồng, còn khoảng 7,5 tỷ đồng để chợ hoạt động.

Trong 7,5 tỷ đồng nêu trên, khoảng 90% (hơn 6 tỷ đồng) dùng để trả lương và các chế độ khác theo quy định Nhà nước cho người lao động. Số tiền còn lại dùng cho các hoạt động khác.

Khu vực rạp của các tiểu thương buôn bán ban đêm được Ban Quản lý chợ cho phép tháo dỡ và để lại khu vực chợ vào ban ngày để thuận tiện cho tiểu thương.
Khu vực rạp buôn bán ban đêm được Ban Quản lý chợ cho phép để lại vào ban ngày nhằm tạo thuận tiện cho tiểu thương.

Trong những năm qua, nguồn thu của chợ không có dư để chi trả các khoản thu nhập tăng thêm. Mặc dù vậy, BQL chợ vẫn cố gắng chi một số khoản phụ cấp cho người lao động, trong đó, có tiền ăn và tiền làm thêm ngoài giờ 700 ngàn đồng/người/tháng.

“Tất cả những khoản thu chi và khó khăn của chợ trong thời gian qua đều được BQL chợ thông tin tới người lao động tại hội nghị cán bộ, công nhân viên chức cuối năm và được mọi người đồng thuận. Chúng tôi cũng cố gắng để tăng thu nhập cho người lao động, song do tình hình khó khăn chung nên buộc phải cắt giảm các khoản thu nhập tăng thêm”, ông Phong nói.

Về một số khoản thu ngoài hóa đơn, chứng từ theo phản ánh, ông Phong khẳng định, mọi khoản thu của các sạp buôn bán tại chợ đều có hợp đồng và hóa đơn thu chi rõ ràng. Riêng các khoản thu chỗ ngồi không cố định, từ năm 2020, chợ Bà Rịa đã áp dụng thu tiền bằng phiếu điện tử. Hàng ngày, nhân viên đến từng gian hàng để thu và có xuất phiếu.

“Chúng tôi thu đúng các khoản theo quy định của Nhà nước, có hóa đơn, chứng từ giữa các tiểu thương và BQL chợ. Việc này đã được duy trì trong nhiều năm qua”, ông Phong khẳng định.

Đối với 2 nhà vệ sinh lưu động hiện đang đặt tại khu vực đậu xe, ông Phong cho biết trước đây thuộc quản lý của chợ, nhưng 2 năm nay đang chờ thực hiện đấu giá lại theo quy định. Trong thời gian này, BQL chợ đã có văn bản gửi UBND TP.Bà Rịa đề nghị tiếp tục thực hiện đấu giá sử dụng 2 nhà vệ sinh này, song chưa có kết quả. Do vậy, nhà vệ sinh đang được các tiểu thương buôn bán tại chợ đêm sử dụng, BQL chợ không thu phí.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.