Khúc mắc trong phân chia tài sản thừa kế
Gửi đơn đến Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1963, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) phản ánh việc không đồng tình với quyết định bản án phúc thẩm của TAND tỉnh về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất (QSDĐ) liên quan đến gia đình ông.
Ông Nguyễn Văn Đức, ngụ xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ không đồng tình với quyết định phân chia tài sảnthừa kế của TAND tỉnh. |
Theo nội dung đơn, bà Nguyễn Thị Ba có 6 người con, trong đó ông Đức là người con thứ 3 trong gia đình. Người chị cả tên N.T.N.P. (đã mất năm 1987) có 2 người con tên T.T.N.T. (SN 1976) và T.T.N.Th. (SN 1978). Năm 2005, sau khi bà Ba mất, gia tộc họp bàn, thống nhất phân chia tài sản đất hơn 2ha thành 6 phần (viết giấy tay - PV).
Trong đó, 5 phần đất chia đều cho 5 người con, phần còn lại dành cho việc thờ tự. Do bà N.T.N.P. đã mất nên gia tộc đề xuất để lại căn nhà cấp 4 cho người con gái tên T.T.N T. thừa hưởng; bà T. không được thừa hưởng thêm tài sản ngoài căn nhà cấp 4.
Năm 2011, ông Đức cùng người cháu gái là bà T. xảy ra mâu thuẫn tranh chấp thừa kế QSDĐ. Bà T. khởi kiện đến TAND huyện Đất Đỏ. Theo yêu cầu của bà T. (nguyên đơn), ngày 22/3/2011, TAND huyện Đất Đỏ ban hành công văn số 39/CV-TAH đề nghị UBND xã Long Mỹ can thiệp, không cho ông Đức giao dịch, san lấp, bao chiếm sử dụng đất đang tranh chấp để chờ kết quả giải quyết của tòa án.
Công văn này khiến ông Đức bị cấm canh tác, không thể hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của gia đình từ năm 2011 - 2015.
Tháng 9/2016, TAND tỉnh mở phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự về việc “Tranh chấp thừa kế QSDĐ” giữa bà T. (nguyên đơn) và ông Đức (bị đơn). Kết thúc xét xử, TAND tỉnh quyết định chia di sản thừa kế làm 7 phần (một phần làm nơi thờ cúng).
Ông Đức không đồng tình với bản án này nên liên tục gửi đơn kháng cáo, kiến nghị đến các cơ quan, ban, ngành. Bởi theo ông, việc phân chia tài sản đã được thống nhất trong cuộc họp gia tộc và được những người con của bà Ba (hàng kế thừa thứ nhất) đồng ý.
Ông Đức nói: “Tòa án không phân chia căn nhà cấp 4 mà bà T. thừa hưởng cho chúng tôi nhưng lại để bà T. là hàng thừa kế thứ 2 thừa hưởng tài sản đất của mẹ tôi là không hợp lý”.
Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã liên hệ với bà T. để hỏi về những vấn đề liên quan. Bà T. cho rằng tài sản thuộc về mẹ bà thì người con vẫn được quyền thừa hưởng theo quy định. Do việc phân chia tài sản không đồng đều từ lâu nên xảy ra tranh chấp, cần TAND tỉnh xét xử.
“Việc phân chia tài sản trong cuộc họp gia tộc nếu thống nhất thì chúng tôi đã không đưa nhau ra tòa. Tôi thấy việc chia 6 phần cho từng người con là đồng đều, mẹ tôi mất thì tôi được thừa hưởng là đúng”, bà T.T.N.T. nói.
Cũng liên quan đến quá trình phân chia tài sản, ông Đức còn yêu cầu người ký công văn số 39/CV-TAH là Thẩm phán TAND huyện Đất Đỏ - ông Nguyễn Văn Tiến phải bồi thường vì đã gây thiệt hại kinh tế cho gia đình ông suốt 4 năm.
Theo Bản án phúc thẩm số 76/2016/DSPT ngày 20/9/2016 về tranh chấp thừa kế QSDĐ của TAND tỉnh (nguyên đơn là bà N.T.N.T. và bị đơn là ông Nguyễn Văn Đức), hai bên không thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án.
Từ những phân tích nhận định, HĐXH quyết định chia di sản thừa kế làm 7 phần (một phần để làm nơi thờ cúng), mỗi phần có giá trị hơn 283 triệu đồng (tổng trị giá là 1,98 tỷ đồng).
Những người được hưởng thừa kế của bà Nguyễn Thị Ba gồm 5 người con và 2 người cháu (trong đó có bà T.T.N.T.). Tất cả các lô đất trong vụ tranh chấp đều có sơ đồ vị trí thửa đất lập ngày 27/7/2016 của Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện Đất Đỏ kèm theo bản án.
|
Xét đơn khiếu nại của ông Đức, TAND huyện Đất Đỏ nhận thấy công văn số 39/CV-TAH không đúng về mặt hình thức theo quy định nên đã ban hành Quyết định số 01/2015/QĐ-TA ngày 12/1/2015 để thu hồi, hủy bỏ công văn số 39.
Ông Đức tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến TAND tỉnh về việc TAND huyện Đất Đỏ ban hành công văn số 39/CV-TAH gây thiệt hại kinh tế cho gia đình ông. Ngày 16/3/2018, TAND tỉnh cũng có Quyết định số 10/QĐ-GQKN giải quyết khiếu nại nội dung này.
Theo đó, tại Quyết định số 10 nêu: “Không chấp nhận khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đức liên quan đến việc yêu cầu Thẩm phán Nguyễn Văn Tiến bồi thường thiệt hại. Theo Quy định tại Điều 6, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thì cần có văn bản của cơ quan Nhà nước thẩm quyền xác định hành vi của Thẩm phán Tiến là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường. Như vậy, dù Công văn số 39/CV-TAH được TAND huyện Đất Đỏ giải thích là vi phạm về hình thức, trình tự ban hành văn bản nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định nên không có cơ sở khởi kiện”.
Bài, ảnh: HÀN LẬP