.

Xung quanh phản ánh của giáo viên Trường TH Ngãi Giao

Cập nhật: 18:14, 21/05/2024 (GMT+7)

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được phản ánh của giáo viên (GV) Trường TH Ngãi Giao (huyện Châu Đức) về việc hiệu trưởng nhà trường có nhiều khuất tất tài chính và chuyên môn. Phóng viên đã tìm hiểu về vấn đề này. 

Trường Tiểu học Ngãi Giao (huyện Châu Đức).
Trường Tiểu học Ngãi Giao (huyện Châu Đức).

Vì sao trích nộp tiền thu nhập tăng thêm?

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, một số GV cho rằng, ông Lê Công Dương, Hiệu trưởng Trường TH Ngãi Giao có sai phạm trong tài chính và công tác chuyên môn. Cụ thể: hàng năm, tiền thu nhập tăng thêm được chuyển vào tài khoản cho GV nhưng sau đó họ phải nộp lại 1,5 triệu đồng vào quỹ phúc lợi. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trường chi 100 ngàn đồng/GV, nhưng GV cũng phải nộp lại cho thủ quỹ. GV dạy tăng tiết không được chi trả theo Luật Lao động mà chỉ trả 55 ngàn đồng/tiết. Rèm cửa may 1 lần nhưng năm nào cũng chi tiền may mới...

Ngoài ra, GV còn phản ánh việc hiệu trưởng làm sai chuyên môn, gây ảnh hưởng đến GV và HS như: điều kiện bán trú không phù hợp nhưng vẫn thực hiện; tăng thời gian tiết học (quy định là 35 phút) lên 40 phút/tiết; xếp thời khóa biểu cho GV chủ nhiệm dạy 22 tiết/tuần... Thậm chí, hiệu trưởng còn ép buộc phụ huynh và GV cho vay tiền để giải quyết nợ nần của gia đình.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Công Dương cho biết, hàng năm, sau khi thanh toán tất cả các khoản, số tiền tiết kiệm được nhà trường bổ sung vào các quỹ để chia cho viên chức, người lao động (VC-NLĐ). Trong đó, trích 5% làm quỹ phúc lợi. Khoản phúc lợi này được thống nhất trong cuộc họp chia tăng thu nhập cuối năm là chuyển về cho công đoàn để trả tiền đồng phục, quà Tết cho VC-NLĐ, tất niên cuối năm, phần còn lại để hỗ trợ VC-NLĐ đi tham quan học tập. Việc thu lại 100 ngàn đồng/người chi dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 xuất phát từ đề xuất của công đoàn để tổ chức cho VC-NLĐ đi tham quan, tắm biển tại TP.Vũng Tàu. Số tiền này thủ quỹ không thu mà được nộp về cho công đoàn và được VC-NLĐ đồng ý.

Có hay không sai phạm về tài chính?

Năm học 2023-2024, trường thiếu 2 biên chế so với chỉ tiêu giao. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, trường không được duyệt chỉ tiêu hợp đồng. Nguồn chi trả dạy tăng tiết phải lấy từ kinh phí hoạt động của nhà trường. Nhằm bảo đảm nguồn chi cho những hoạt động của trường và có thêm thu nhập cho VC-NLĐ vào cuối năm, nhà trường thống nhất chi trả tất cả các tiết dạy tăng thêm là 55 ngàn đồng/tiết. Các khoản tăng giờ như: trực lễ, Tết, ra đề kiểm tra, tư vấn tâm lý, chấm sáng kiến giải pháp… cũng được chi trả theo đúng quy định.

Theo ông Dương, phòng làm việc, phòng chức năng và các phòng giảng dạy bộ môn ở khu hiệu bộ đều bị nắng chiếu vào. Các bộ phận có nhu cầu may rèm cửa chống nắng để làm việc tốt hơn. Do kinh phí hoạt động hàng năm hạn chế nên nhà trường chỉ duyệt cho may mỗi năm 1-2 phòng. “Không có chuyện may 1 lần mà làm chứng từ nhiều lần như phản ánh”, ông Dương nói.

Việc tổ chức bán trú cho HS được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của phụ huynh và đồng thuận của Phòng GD-ĐT. Nhà trường sử dụng cơ sở vật chất hiện có và xin UBND huyện hỗ trợ thêm để tổ chức bán trú cho HS.

Về phản ánh trường tăng thời gian lên 40 phút/1 tiết để kết thúc buổi học sáng muộn thêm 20 phút khớp với giờ ăn cơm của HS bán trú gây ảnh hưởng đến HS và GV, ông Dương giải thích: Hiện nay, cấp tiểu học thực hiện song song 2 chương trình. Trong đó, khối lớp 1, 2, 3 và 4 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định dạy 1 tiết 35 phút.

Khối lớp 5, thực hiện theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định 1 tiết dạy từ 35-40 phút. Để đảm bảo thời gian giảng dạy đồng bộ với các hoạt động tập thể chung toàn trường như: thể dục, hát múa sân trường đầu giờ…, nhà trường đã thống nhất việc lớp 5 học tối đa 1 tiết 40 phút; lớp 1, 2, 3 và 4 học 35 phút, nghỉ giữa tiết 5 phút.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Quyết định 16 chỉ quy định mỗi tiết học trung bình 35 phút.

Về việc học tiếng Anh, ông Dương cho biết, từ năm học 2022-2023, thực hiện chỉ đạo của Phòng GD-ĐT về việc chọn 4 trường tiểu học dạy thí điểm tiếng Anh 2 tiết/tuần cho HS lớp 1 và 2 theo hình thức xã hội hóa, nhà trường đã tổ chức hội nghị cha mẹ HS để bàn bạc thống nhất. Chủ trương này đã được phụ huynh HS đồng thuận, không có chuyện hiệu trưởng tự ý quyết định.

Nội dung phân thời khóa biểu cho GV chủ nhiệm dạy 22 tiết/tuần, ông Dương cho rằng, trường thực hiện căn cứ Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, GV chủ nhiệm thực dạy 20 tiết/tuần (giảm 3 tiết, không kể 3 tiết: tiết chào cờ, sinh hoạt lớp và làm hồ sơ chủ nhiệm). GV thực hiện đúng như quy định nêu trên và không được nhận tiền thêm giờ tiết chào cờ, tiết sinh hoạt lớp và làm hồ sơ chủ nhiệm. Việc này đã được thống nhất trong toàn thể GV nhà trường.

Đối với phản ánh hiệu trưởng ép buộc phụ huynh và GV cho mượn tiền, ông Dương cho biết do con ông làm ăn thua lỗ nên ông có hỏi vay tiền những người thân quen để giúp con. “Tuy nhiên, tôi không hề ép buộc hay gây khó khăn cho bất kỳ phụ huynh và VC-NLĐ trong đơn vị để thực hiện việc vay tiền”, ông Dương khẳng định.

Ông Lê Thanh Kính, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho biết, khi nhận được những phản ánh của GV, Phòng GD-ĐT đã đi kiểm tra đột xuất, mời kế toán, đại diện công đoàn của trường lên làm việc và kiểm tra hồ sơ. Qua kiểm tra chưa phát hiện sai phạm của trường. 

“Việc trích tiền thu nhập tăng thêm vào quỹ phúc lợi được sự thống nhất của VC-NLĐ nhà trường. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu nhà trường rút kinh nghiệm, cần chi trả dứt khoát hết tiền thu nhập tăng thêm cho GV. Sau đó, nếu GV đồng thuận thì tự nộp tiền mặt trực tiếp và ký vào sổ thu của công đoàn để làm quỹ phúc lợi, tránh việc GV tâm tư và có điều tiếng không hay", ông Kính nói.

Bài, ảnh: BẠCH LONG

 
.
.
.