.

Tiếng ồn và ý thức cộng đồng

Cập nhật: 17:11, 26/01/2024 (GMT+7)

Khoảng 10 năm trở lại đây, loại hình kinh doanh du lịch bằng căn hộ, nhà ở riêng lẻ (homestay) tại TP.Vũng Tàu phát triển mạnh, làm phong phú sản phẩm lưu trú cho du khách. Tuy nhiên, hoạt động này đã phát sinh xung đột giữa cộng đồng bản địa với du khách về giao thông và ô nhiễm tiếng ồn, nhất là khi du khách thường xuyên hát karaoke bằng loa “kẹo kéo”.

Người dân phản ánh, khách du lịch thuê căn hộ du lịch ở khu Thanh Bình (phường 10) hát hò gây ồn ào.  Ảnh: QUANG VŨ
Người dân phản ánh, khách du lịch thuê căn hộ du lịch ở khu Thanh Bình (phường 10) hát hò gây ồn ào. Ảnh: QUANG VŨ

 Tác hại của tiếng ồn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếng ồn gây tác hại với sức khỏe con người lớn thứ hai sau ô nhiễm không khí. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến thính lực, gây rối loạn giấc ngủ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành…), bệnh chuyển hóa (tiểu đường, béo phì) và chứng mất trí nhớ.

Tầm nghe của con người dao động từ 16-130 decibel, tuy nhiên mức dưới 85 decibel là an toàn cho sức khỏe. Tiếng ồn ban ngày hay đêm, liên tục hay ngắt quãng đều nguy hại cho sức khỏe ngay cả khi chúng ta đang ngủ. Nói cách khác, ồn vào thời điểm nào đều góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. WHO khuyến cáo tiếng ồn ban đêm ở bên ngoài phòng ngủ cao hơn 40 decibel và ở bên trong phòng ngủ lớn hơn 30 decibel là giấc ngủ của chúng ta đang bị tác hại. Trong các lứa tuổi thì trẻ em dễ chịu ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn hơn cả. Với trẻ em, não đang trong giai đoạn phát triển, việc phải tiếp xúc với tiếng ồn có thể khiến các hormone căng thẳng tăng cao, làm giảm trí nhớ và thậm chí góp phần khiến trẻ bị tăng động.

Tiếng ồn đang trở thành vấn nạn của các đô thị Việt Nam. Để hạn chế tiếng ồn, một số địa phương trong cả nước đã có nhiều giải pháp. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh đưa ra khẩu hiệu “Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta” để truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân.

Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về tiếng ồn để xử lí như thiết lập Tổng đài 1022; đường dây nóng về ô nhiễm môi trường. Đối tượng gây ô nhiễm tiếng ồn được nhắm đến là cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí (karaoke, quán bar, vũ trường…) và người dân sử dụng loa “kẹo kéo”, các loại thiết bị phát thanh công suất lớn để hát karaoke trong khu dân cư… Kết quả, từ tháng 11/2022 đến tháng 8/2023, cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh đã xử phạt hành chính gần 1,6 tỉ đồng với các hành vi này.

Tại TP.Vũng Tàu, ô nhiễm tiếng ồn cũng được chính quyền rất quan tâm, nhất là sau khi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 10/6/2019 chỉ đạo tăng cường quản lý công tác này. Thành phố đã lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh (0888.803.247); thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về dịch vụ du lịch để kiểm tra, xử lí vi phạm. UBND các phường, xã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, homestay ký cam kết chấp hành quy định về tiếng ồn trong khu dân cư.

Cần trách nhiệm cộng đồng

Như vậy, tiếng ồn không chỉ gây khó chịu mà còn là tác nhân gây bệnh cho con người. Chế tài xử lý đã rõ, động thái của nhà chức trách đã có, nhưng ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động ca hát giải trí trong khu dân cư không giảm. Trong thời gian tới chắc chắn nhà quản lí sẽ có phương pháp quyết liệt hơn. Còn chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm xem trách nhiệm của mình với cộng đồng như thế nào?

Ý thức cộng đồng được hình thành trên cơ sở mỗi thành viên trong cộng đồng cảm nhận được rằng mình là một bộ phận của cộng đồng đó. Ý thức cộng đồng và là cái gốc xây dựng nên “văn hóa cộng đồng”.

Khách du lịch đến lưu trú trong các khu dân cư sẽ là thành viên của cộng đồng dân cư ấy, có tương tác với cư dân bản địa, cùng chia sẻ cái chung về địa bàn cư trú, quy tắc ứng xử chung nên phải thực hiện trách nhiệm ý thức cộng đồng, có nghĩa vụ đóng góp, bảo vệ lợi ích của cộng đồng, đồng thời cũng không gây ảnh hưởng tới người xung quanh. Du khách muốn ca hát lúc giờ đã khuya, xin vui lòng đến quán bar, phòng trà, vì bên cạnh bức tường kia có người già, trẻ em đang là những thính giả bất đắc dĩ đang bị “tra tấn” bởi giọng hát của mình. Chủ homestay cũng phải có trách nhiệm nhắc nhở, ra nội quy yêu cầu khách “nhập gia tùy tục” thực hiện trách nhiệm không làm phiền đến hàng xóm. Về phần mình, dân cư bản địa cũng phải biết hi sinh, chia sẻ tình cảm với thành viên cộng đồng mới đến. Khi tham gia cộng đồng có ý thức thì từng người cảm thấy yên tâm, an toàn trong chính cộng đồng đó.

HOÀNG ĐÌNH KÊ

.
.
.