.

Được vay vốn để làm lại cuộc đời

Cập nhật: 19:10, 23/08/2023 (GMT+7)

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực vào ngày 10/10, quy định người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Cơ sở sản xuất kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án.

Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Châu Đức cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn hỗ trợ việc làm.
Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Châu Đức cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn hỗ trợ việc làm.

Tạo cơ hội cho người ra tù

Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông N.V.N. (SN 1951, ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức) cho biết, H. (con ông) chấp hành án phạt tù và trở về địa phương vào tháng 7/2022. Trước khi ra tù, H. được cán bộ trại giam hướng dẫn nếu cần vay vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế thì đến UBND xã nơi cư trú để làm thủ tục vay vốn.

“Tôi ra UBND xã hỏi thủ tục vay vốn cho con nhưng các hội và đoàn thể của xã thông báo chưa có nguồn vốn vay giải quyết việc làm”, ông N. nói.

Theo ông N., sau khi ra tù, H. về sống với cha mẹ và cũng tu chí làm ăn. Gia đình ông vào rẫy gần nhà dựng trại tạm để nuôi bò, thỏ và trồng tiêu. “H. đi tù về được gần 1 năm, trong khi tôi và vợ đều già yếu cả rồi nên không thể hỗ trợ con được nhiều. Mong cơ quan chức năng tạo điều khiện cho H. được vay vốn đầu tư sản xuất để sớm ổn định cuộc sống”, ông N. đề nghị.

Tiếp nhận phản ánh của ông N., UBND xã Bình Trung kiểm tra, xác minh trường hợp của anh H. đủ điều kiện được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Các đoàn thể nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện làm việc và giúp anh H. làm hồ sơ vay vốn. “Hồ sơ của anh H. đã được xét duyệt, xã ký xác nhận đề nghị và Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho vay 50 triệu đồng với mục đích trồng tiêu”, ông Phạm Xuân Núi, Chủ tịch UBND xã Bình Trung thông tin.

Theo Ngân hàng CSXH huyện Châu Đức, hiện nay không có chương trình cho vay chuyên biệt đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ngân hàng CSXH áp dụng cho vay với thủ tục chung đối với chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ - CP ngày 9/7/2015 và Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi bổ sung Nghị định 61/2015/NĐ-CP.

Người lao động có nhu cầu vay vốn thì liên hệ với tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn để làm hồ sơ vay vốn. Tổ Tiết kiệm và Vay vốn căn cứ nguồn vốn phân bổ, tổ chức họp bình xét cho vay, gửi hồ sơ đến UBND cấp xã xác nhận sau đó gửi Ngân hàng CSXH để cho vay.

Được vay tối đa 100 triệu đồng

Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/10 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định 22, quy định đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá. Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Về điều kiện vay vốn, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn, có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa 5 năm.

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh phải được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật. Sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.

Người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng CSXH đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.

Quyết định 22 nêu rõ phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn. Ngân hàng CSXH cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thì Ngân hàng CSXH cho vay trực tiếp.

Quyết định 22 quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề có mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

.
.
.