Mâu thuẫn vì giá thuê đất rừng nhận khoán quá cao?

Thứ Ba, 07/06/2022, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

Các hộ dân ở huyện Xuyên Mộc phản ánh bị công ty thuê môi trường rừng thường xuyên rào đường, phá cây trong diện tích mình nhận khoán bảo vệ rừng. Trong khi đó đơn vị này cho biết, mâu thuẫn xuất phát từ việc hộ dân đòi giá thuê diện tích rừng nhận khoán quá cao.

Ông Nguyễn Văn Long cho rằng đường dây điện do Công ty đầu tư Sài Gòn kéo qua phần đất của mình  gây nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Long cho rằng đường dây điện do Công ty đầu tư Sài Gòn kéo qua phần đất của mình gây nguy hiểm.

Làm gãy cành điều, rào lối đi

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Long và bà Nguyễn Thị Nở  (cùng ngụ xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) cho biết, bị Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn (Công ty Đầu tư Sài Gòn, kinh doanh du lịch) xâm hại diện tích rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (Khu bảo tồn) mà 2 hộ dân này đang nhận chăm sóc, bảo vệ.

Theo bà Nở, năm 2001 bà nhận khoán 5,5ha rừng tại Khu bảo tồn để chăm sóc bảo vệ, thời gian nhận khoán theo hợp đồng (HĐ) là 50 năm. Năm 2021, Công ty Đầu tư Sài Gòn có chôn trụ, kéo dây điện qua phần đất của bà. Bị phản ứng nên sau đó họ nhổ cột, kéo dây điện đi hướng khác. 

Gần đây, Công ty này nhiều lần cho xe cuốc ủi cành lá chắn đường đi làm và làm va quẹt khiến nhiều cây điều bị gãy cành. “Con đường chúng tôi đi chăm sóc rừng bị Công ty Đầu tư Sài Gòn cho máy cuốc vùi lấp cành lá rào lại. Rồi cho đặt container, dựng lều trại chắn ngang đường”, bà Nở bức xúc nói.

Còn ông Nguyễn Văn Long cho biết, đầu năm 2021 Công ty Đầu tư Sài Gòn mắc dây điện lên bờ rào đi qua phần đất rừng do ông nhận khoán. Thậm chí, Công ty này còn kéo đường ống nước đi qua phần đất của ông, đến nay chưa di dời đi. “Dây điện họ kéo từng bó dài móc lên tường rào, có nhiều chỗ chắp nối nên mùa mưa chúng tôi đi làm rất sợ bị điện giật. Mùa nắng, chúng tôi phải đốt hành lang chống cháy rừng rất dễ bị vướng vô dây điện”, ông Long nói.

Cả 2 hộ dân đều bức xúc yêu cầu Công ty Đầu tư Sài Gòn phải di dời dây điện, ống nước và không được xâm phạm lên phần đất rừng của gia đình nhận khoán.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, chủ trương cho thuê môi trường rừng đã được tỉnh thông qua. Hiện, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh đang tiến hành rà soát việc triển khai việc thuê môi trường rừng trên toàn tỉnh. Các khiếu nại, tranh chấp sẽ được chủ rừng tập hợp để Sở NN-PTNT xem xét từng trường hợp, sau đó sẽ mời các đơn vị thuê môi trường rừng lên trả lời, giải thích và hướng dẫn làm các thủ tục thuê môi trường rừng theo đúng quy định.

Mâu thuẫn vì không thỏa thuận được giá thuê đất?

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Trại, Phó Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Ban Quản lý Khu bảo tồn cho biết, 2 hộ dân có gửi đơn đến Khu bảo tồn nhưng không có địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, Khu bảo tồn vẫn gửi giấy mời người dân và đại diện công ty lên làm việc để xác minh làm rõ phản ánh nhưng cả hai bên đều không lên. Chúng tôi tiếp tục có giấy mời các bên lên làm việc lần thứ 2.

Cũng theo ông Trại, chủ trương cho thuê môi trường rừng được tỉnh cho phép, tuy nhiên Công ty Đầu tư Sài Gòn hiện đang làm thủ tục xin thuê môi trường rừng theo quy định. Trong thời gian này, công ty có thiện chí thực hiện một số hoạt động kèm việc bảo vệ rừng. “Công ty xin cho công nhân vào làm việc và đặt chòi để người lao động có nơi ở. Họ đặt một số chậu cây, chủ yếu là bông giấy và trồng tạm thời một số cây ở những nơi đất trống trong rừng. Khu bảo tồn cũng tạo điều kiện cho họ, đồng thời họ cũng đang giúp Khu bảo tồn bảo vệ rừng”, ông Trại chia sẻ.

Theo ông Trại, việc kéo điện đã xin phép Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan. Ngoài ra dây điện được mắc trên tường rào bảo vệ rừng và nằm cao trên 2m nên không ảnh hưởng tới người dân.

Tuy nhiên trong quá trình làm, Công ty Đầu tư Sài Gòn cũng có sai phạm. Vì vậy, ngày 5/4, Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 - Ban Quản lý Khu bảo tồn đã lập biên bản kiểm tra việc trồng cây bông giấy trái phép cặp theo tường rào bảo vệ rừng, dài khoảng 120m. Lực lượng bảo vệ rừng đã tiến hành nhổ bỏ toàn bộ số cây trái phép trên và lập biên bản chuyển cơ quan cấp trên.

Bà Nguyễn Thị Nở phản ánh việc Công ty Đầu tư Sài Gòn làm gãy nhiều cành điều trong đất rừng mình nhận khoán.
Bà Nguyễn Thị Nở phản ánh việc Công ty Đầu tư Sài Gòn làm gãy nhiều cành điều trong đất rừng mình nhận khoán.

Tiếp đó, ngày 13/5, Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 có lập biên bản kiểm tra việc trồng cây trái phép do Công ty Đầu tư Sài Gòn thực hiện. Đồng thời, yêu cầu Công ty ngưng việc trồng cây trái phép, nhưng đến ngày 14/5, công ty tiếp tục vi phạm.

Trao đổi qua điện thoại với PV, đại diện Công ty Đầu tư Sài Gòn cho biết, việc công nhân đi lại trong Khu bảo tồn làm gãy cành điều của người dân đã được giải quyết từ lâu. Còn việc đặt container, kéo đường dây điện  đều được phép của Sở NN-PTNT và Khu bảo tồn, nằm trên đất rừng chứ không phải đất của 2 hộ dân nhận khoán. “2 hộ dân này muốn “chuyển nhượng” diện tích rừng nhận khoán cho công ty nhưng họ đòi giá quá cao. Chúng tôi không chấp nhận được thì xảy ra mâu thuẫn và họ thường xuyên gây áp lực cho công ty”, vị này thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Lê Văn Khanh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn cho hay, Công ty Đầu tư Sài Gòn xin dự án đã 20 năm nay, nhưng vì vướng cơ chế chính sách nên chưa thể thực hiện. Hiện, Công ty đang làm thủ tục xin thuê môi trường rừng theo quy định. Đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn vẫn chưa làm việc được với 2 hộ dân và Công ty Đầu tư Sài Gòn vì các hộ dân bất đồng bỏ về giữa buổi làm việc. “Trong việc lập hồ sơ thuê môi trường rừng theo quy định thì DN được thỏa thuận với người dân để thuê lại diện tích rừng nhận khoán. Nhưng hai bên không thỏa thuận được giá cả nên mới xảy ra mâu thuẫn”, ông Lê Văn Khanh nói.

Bài, ảnh: BẠCH LONG

 
;
.