Khổ sở vì sống gần trạm trung chuyển heo

Chủ Nhật, 05/06/2022, 22:16 [GMT+7]
In bài này
.

Hàng chục hộ dân ở thôn Sông Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) nhiều năm qua phải chịu đựng mùi hôi thối cũng như nước thải ô nhiễm từ trạm trung chuyển heo của ông Lê Như Ý. Lực lượng chức năng của huyện và xã đã yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, nếu không sẽ có hình thức xử lý thích đáng.

Nước thải đen ngòm từ bên trong trạm trung chuyển heo chảy ra bên ngoài.
Nước thải đen ngòm từ bên trong trạm trung chuyển heo chảy ra bên ngoài.

Nước thải xả thẳng ra môi trường

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2018, ông Lê Như Ý (ngụ TP. Bà Rịa) hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi heo Việt Nam thuê khu đất tại thôn Sông Cầu làm nơi trung chuyển heo. Các trang trại hàng ngày đưa heo về địa điểm này để tắm rửa, sau đó tiếp tục vận chuyển đến các lò mổ ở nhiều địa phương.

Điều người dân bức xúc chính là trong quá trình hoạt động, xe tải chở heo ra vào cả ngày; tiếng xe, tiếng heo kêu rất ồn ào, đặc biệt lúc ban đêm. Nước thải từ việc vệ sinh xe tải, tắm rửa heo được các tài xế xả trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.

“Mỗi khi có xe tải chở heo ra vào điểm trung chuyển thì mùi hôi thối từ chất thải, nước thải của heo bốc lên nồng nặc”, một hộ dân sống gần đó bức xúc.

Ông Trịnh Văn Lý (thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cho biết thêm, hàng ngày có hàng chục xe tải lớn, nhỏ chở heo ra vào điểm tập kết. Các xe tải chở heo đều để thùng thoáng nhằm tránh việc heo bị ngột ngạt. Mỗi lần xe đi qua là bốc mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên, điều khiến ông Lý cũng như những hộ dân nơi đây lo lắng nhất là hoạt động xả thải của cơ sở trung chuyển.

“Nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, khu vực chúng tôi sống chưa có nước máy, đa số đều dùng nước giếng khoan. Điều này rất dễ dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm cơ sở này”, ông Lý lo lắng nói.

Ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tại khu vực xung quanh cơ sở này vào đầu tháng 6 cho thấy, tình trạng xả thải có diễn ra. Không chỉ mùi hôi mà còn có dòng nước đen ngòm từ bên trong cơ sở chảy ra bên ngoài. Nhiều vũng nước xung quanh cơ sở đục ngầu, nhiều cặn bẩn, nổi váng, bốc mùi hôi.

Nguồn xả thải của cơ sở chủ yếu là do hoạt động rửa xe, tắm heo.
Nguồn xả thải của cơ sở chủ yếu là do hoạt động rửa xe, tắm heo.

Xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm

Làm việc với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Trần Thị Hòe, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành cho biết, người dân ở thôn Sông Cầu thời gian qua nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường của cơ sở trung chuyển heo và lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục.

Cụ thể, ngày 15/12/2021, Đoàn liên ngành gồm: Phòng TN-MT, Công an huyện Châu Đức, cán bộ xã Nghĩa Thành đã kiểm tra thực tế tại cơ sở. Sau khi kiểm tra, Đoàn yêu cầu chủ cơ sở phải khắc phục tình trạng nước thải chảy tràn ra bên ngoài, xử lý chất thải rắn theo quy định; gia cố, vận hành lại hệ thống hầm biogas; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khu tập kết heo; khắc phục tiếng ồn, che chắn hạn chế bụi.

Tiếp đó, ngày 3/6 vừa qua, Phòng TN-MT huyện Châu Đức cũng chủ trì phối hợp với các ngành chức năng huyện và UBND xã Nghĩa Thành tiến hành kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở trung chuyển heo của ông Ý. 

Theo giấy phép đăng ký, cơ sở có quy mô hoạt động trung chuyển với công suất khoảng 100.000 con/ngày. Tuy nhiên, cơ sở thực tế hoạt động chỉ khoảng 1.000 con/ngày. Ngoài phần diện tích khoảng 600m2, cơ sở này con thuê thêm 400m2 của hộ dân bên cạnh để làm đường đi vào. Ông Ý cho biết, cơ sở không thực hiện việc tắm heo, rửa xe tại khu vực đường đi. Toàn bộ xe chở heo đều tập trung vào khuôn viên để rửa xe.

Ông Ý cho biết thêm, về quy trình hoạt động, khi xe chở heo về đến trạm, nhân viên sẽ tiến hành rửa xe, tắm heo tại khu vực vệ sinh rồi mới đưa vào chuồng. Tổng lượng nước sử dụng cho hoạt động này là khoảng 40m³/ngày. Cơ sở đã xây dựng 2 hầm biogas với thể tích 20m³ để xử lý xả thải. Đồng thời, xây dựng 2 hồ lắng với công suất 4.000m³ và 8.000m³ để xử lý nước thải.

Trong quá trình hoạt động, chủ cơ sở sẽ thu gom toàn bộ phân heo, nước thải phát sinh tại khu vực sân, xử lý qua hầm biogas trước khi xả thải ra hồ lắng bên cạnh.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lương chức năng phát hiện cơ sở trung chuyển này có phát sinh mùi hôi đặc trưng. Xung quanh cơ sở có vương vãi một số rác sinh hoạt như: túi nilông, giấy. Ngoài ra, thể tích của 2 hầm chứa biogas của cơ sở quá nhỏ so với lượng nước thải phát sinh. Cơ sở cũng chưa tách riêng nước mưa và nước thải dẫn đến lượng nước phát sinh nhiều, quá tải, phát sinh ô nhiễm môi trường.

Đoàn kiểm tra đề nghị chủ cơ sở cần nâng cấp công suất hầm chứa biogas để phù hợp với quy mô xả thải tại cơ sở. Đồng thời, có biện pháp thu gom, quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động; khắc phục các tồn tại về ô nhiễm môi trường tại cơ sở. Chủ cơ sở đã cam kết sẽ khắc phục những tồn tại trên theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

“Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát và nếu chủ cơ sở không có biện pháp khắc phục, hoạt động vẫn gây ô nhiễm môi trường thì sẽ kiến nghị huyện có biện pháp xử lý thích đáng”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành khẳng định.

Còn ông Phạm Quý Nhân, Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Châu Đức cũng cho biết, vụ việc liên quan đến cơ sở trung chuyển heo của ông Ý đang được các ngành chức năng huyện theo dõi, giám sát. Nếu cơ sở tiếp tục vi phạm pháp luật về môi trường, huyện sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ 

;
.