.

Cống thoát nước cao hơn mặt ruộng, gây ngập úng

Cập nhật: 18:07, 24/11/2020 (GMT+7)

Nhiều năm qua, hơn 100 hộ dân có đất canh tác ở cánh đồng Ma Ní (thôn Xuân Thành, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) phải chịu cảnh ngập úng, hư hại lúa, hoa màu vì cống thoát nước cao hơn mặt ruộng. Người dân mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp giải quyết tình trạng này.

Cống thoát nước cao hơn mặt ruộng gây hư hại, chết lúa của người dân.
Cống thoát nước cao hơn mặt ruộng gây hư hại, chết lúa của người dân.

Theo người dân thôn Xuân Thành, trước đây, cánh đồng Ma Ní có dòng suối tự nhiên chảy qua vừa là nơi cung cấp nước trồng lúa cho hơn 100 hộ dân sống tại thôn này, đồng thời dòng suối cũng là nơi tiêu thoát nước vào mùa mưa cho cánh đồng. Năm 1998, tuyến đường đi ngang cánh đồng được cải tạo, nâng cấp, dòng suối băng ngang đường được thay thế bằng 2 cống thoát nước, cách nhau khoảng 100m và được lắp đặt cao hơn mặt ruộng từ 15-20cm, nên thoát nước kém. 

Ngoài ra, một cống thoát nước cũng bị tắc nghẽn nhiều năm nay, theo người dân, nguyên nhân là do tường rào của Công ty TNHH SX-TM Phúc Vinh (thôn Sơn Tân, xã Sơn Bình) sản xuất hạt điều, xây lấn dòng chảy, làm đổi hướng, hẹp dòng chảy. Không tiêu thoát nước được nên khu vực này trở nên tù đọng, phát sinh nhiều ruồi muỗi.

Ông Đào Văn Hùng (thôn Xuân Thành) phản ánh, mùa mưa, lượng nước từ đồng Bưng Kè (xã Sơn Bình) đổ dồn về đồng Ma Ní, cống thoát nước không tiêu thoát kịp dẫn đến tình trạng ngập úng, gây hư hại lúa của các hộ dân trên diện rộng. “Gia đình tôi có 3 sào ruộng trồng lúa hàng chục năm nay, mỗi năm 2 vụ. Thế nhưng, từ khi tuyến đường qua cánh đồng Ma Ní được nâng cấp, 2 cống thoát nước được lắp đặt thay thế con suối tự nhiên thì gia đình không thể trồng lúa được nữa, phải bỏ ruộng đi làm thuê. Nhiều người cũng trong tình trạng như vậy”, ông Hùng nói. 

Tương tự, bà Hứa Thị Cẩm Thúy (thôn Xuân Thành) cho biết, gia đình bà có hơn 2 sào trồng lúa. Nhưng tình trạng ngập úng thường xuyên khiến việc canh tác lúa của gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, có năm gia đình phải gieo tới 4-5 lần nhưng vẫn mất trắng. Theo bà Thúy, chi phí trồng lúa khá cao, 1kg lúa giống hiện có giá 14,5 ngàn đồng, mỗi sào phải gieo từ 10-12kg lúa, công làm lại đất 350.000 đồng/sào. “Mỗi lần ngập úng, lúa chết lại phải mua giống, thuê công làm đất rất tốn kém. Chúng tôi chỉ mong chính quyền sửa lại đường cống thoát nước, hạ miệng cống xuống thấp hơn mặt ruộng để đáp ứng đúng chức năng của cống là tiêu thoát nước cho ruộng lúa”, bà Thúy nói.

Bà Hứa Thị Cẩm Thúy (thôn Xuân Thành, xã Sơn Bình) bên ruộng lúa  vừa sạ lại hơn 10 ngày bị ngập nặng.
Bà Hứa Thị Cẩm Thúy (thôn Xuân Thành, xã Sơn Bình) bên ruộng lúa vừa sạ lại hơn 10 ngày bị ngập nặng.

Xung quanh phản ánh của người dân, ông Trần Đại Diện, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình thừa nhận có tình trạng trên và UBND xã đã thành lập đoàn khảo sát tại cánh đồng Ma Ní; có tờ trình gửi UBND huyện Châu Đức để có kế hoạch sửa chữa lại 2 cống thoát nước trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành khảo sát và đề xuất các giải pháp khắc phục. Hiện huyện đã có chủ trương cải tạo, thảm nhựa tuyến đường đi qua cánh đồng Ma Ní. Sau khi triển khai công trình sẽ tiến hành cải tạo luôn 2 cống thoát nước để bảo đảm việc thoát nước trong mùa mưa và giải quyết triệt để tình trạng ngập úng cho người dân.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG-BÍCH NGỌC

 
.
.
.