Cái giá quá đắt cho lan đột biến
Một gia đình ở TP. Bà Rịa bị kéo vào “kinh doanh lan đột biến” và kết quả là sập bẫy, thiệt hại hàng tỷ đồng dẫn đến khuynh gia, bại sản.
Giá trị của các loài lan đột biến được “thổi” lên một cách thái quá, tạo nên cơn sốt ảo. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều này để lừa đảo. (Ảnh có tính minh họa) |
Nạn nhân là gia đình ông Hồ Quốc Chức (khu phố 4, phường Phước Nguyên). Ông Chức cho biết, một ngày nọ, có một nickname trên facebook (fb) tên là Phạm Tiến Đạt nhắn tin vào fb của ông và tự giới thiệu là chủ một vườn lan đột biến ở Ninh Bình và muốn ông Chức tham gia kinh doanh. Đạt cam kết luôn bán hàng đạt tiêu chuẩn và lợi nhuận cao.
Ban đầu, ông Chức chỉ mua lan từ Đạt với số lượng nhỏ (giá trị 2,2 triệu đồng). Sau khi mua hàng, ông Chức được Đạt gửi các hình ảnh và hướng dẫn đăng bán trên fb, ông Chức chỉ phải thanh toán tiền cho Đạt khi đã bán được hàng. Dù chưa nhận hàng và không biết gì về lan, ông Chức vẫn làm theo hướng dẫn. Khi ông Chức vừa đăng lên fb thì ngay lập tức có 1 người lạ hỏi mua 3 kie lan của ông Chức với giá 3 triệu đồng, ông Chức lãi được 800 ngàn đồng cho đơn hàng đầu tiên (kie lan là những mầm con được phát triển từ những mắt ngủ nằm trên giả hành mẹ).
Thấy buôn bán có lãi nhanh nên khi được Đạt gợi ý ở các lần tiếp theo, ông Chức không ngại “xuống tiền” với số lượng tăng dần. Từ một người không biết gì về lan, có khi ông bỏ ra hàng trăm triệu đồng để có thể sở hữu một cây lan quý (theo lời giới thiệu của Đạt). Điều đáng ngạc nhiên là tất cả lan ông Chức mua từ Đạt đều bán dễ dàng và nhanh gọn trên mạng.
Có thời gian, rất nhiều người ở tỉnh này, tỉnh nọ liên hệ với ông Chức đặt mua lan với số lượng lớn, khiến ông Chức rất tin tưởng vào lợi nhuận từ kinh doanh lan đột biến. Quyết định “chơi lớn”, ông Chức đặt mua lan của Đạt lên tới hơn 3,2 tỷ đồng. Tất cả giao dịch đều qua chuyển khoản cho người mang tên Phạm Tiến Đạt. Khi khách hàng yêu cầu ông Chức viết cam kết không bán hoa lan giả, ông Chức cũng đồng ý viết cam kết theo hướng dẫn của Đạt, vì bản thân ông cũng không rõ thế nào là lan thật, lan giả.
Giao dịch buôn bán lan đột biến với Đạt được 2 tháng thì ông Chức thấy báo đăng lan đột biến chỉ là chiêu lừa đảo. Hốt hoảng vì số tiền mình bỏ ra mua - bán lan quá lớn, ông Chức đã ra Ninh Bình để tìm hiểu về vườn lan của Phạm Tiến Đạt. Tuy nhiên, sau 2 ngày ở Ninh Bình, ông Chức không thể tìm thấy bất cứ dấu vết nào của Đạt, kể cả liên hệ qua fb hay điện thoại.
Trong thời gian này, các đối tượng mua lan của ông Chức đổ xô đến nhà ông đòi tiền vì cho rằng ông Chức lừa bán lan giả. Các đối tượng này ngày đêm đe dọa, gây áp lực, buộc gia đình ông trả lại số tiền mà họ đã mua lan và yêu bồi thường với giá gấp đôi. Tuy ông Chức đã trả lại cho một số đối tượng số tiền hơn 1 tỷ đồng nhưng hiện nay do số tiền mua - bán còn lại quá lớn (hơn 3 tỷ đồng) nên ông Chức không còn khả năng chi trả.
Theo Điều 174, Bộ luật hình sự 2015 quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạm tội thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.
|
Các đối tượng mua lan của ông Chức thường xuyên kéo đến quậy phá, khiến cuộc sống gia đình ông bị đảo lộn. Gia đình ông buộc phải nhờ sự can thiệp của công an. “Có thể các đối tượng bán và mua lan nằm trong đường dây lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Tôi mong cơ quan công an vào cuộc điều tra, để làm rõ hành vi phạm tội của Đạt, nhằm ngăn chặn để nhiều người không bị “sập bẫy” rồi vào cảnh nguy cơ mất nhà, mất cửa như gia đình tôi”, ông Hồ Quốc Chức nói.
Được biết, ông Chức cũng gửi đơn tố giác Đạt lên cơ quan công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện, Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP.Bà Rịa đang thụ lý giải quyết vụ việc.
Theo Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh), hiện nay, hoạt động mua bán lan nói chung, lan đột biến nói riêng chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội. Đây là phương thức mua bán vô cùng thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người mua. Các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến với số tiền lớn như trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy lớn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội. Cơ quan công an cần sớm vào cuộc để ngăn chặn, bảo vệ người dân khỏi những mánh khóe lừa đảo mới.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG