.

Thiệt thòi vì không làm được CMND

Cập nhật: 21:06, 31/07/2020 (GMT+7)

Tại ấp Bàu Sôi (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc), một số hộ dân sống trên đất tranh chấp nên không làm được sổ hộ khẩu. Do đó, họ cũng không làm được giấy tờ tùy thân, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ông Phạm Văn Vinh trình bày với cán bộ UBND xã Tân Lâm về trường hợp người con trai út 27 tuổi chưa làm được các giấy tờ tùy thân.
Ông Phạm Văn Vinh trình bày với cán bộ UBND xã Tân Lâm về trường hợp người con trai út 27 tuổi chưa làm được các giấy tờ tùy thân.

Bà Nguyễn Thị Bòn (ấp Bàu Sôi, xã Tân Lâm) kể: “Năm 1995 vợ chồng bà rời quê Quảng Trị vào ấp Bàu Sôi khai hoang, lập nghiệp. Từ đó đến nay, gia đình chưa làm được sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 1.500m2. Do đó, hai người con không làm được giấy khai sinh. Nhiều năm trước, con gái lớn không làm được thủ tục nhập học. Con thứ hai may mắn hơn là được đi học, tuy nhiên phải chịu cảnh xa nhà, vì có người quen ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho cháu nhập vào hộ khẩu và bảo lãnh để làm thủ tục đăng ký khai sinh mới được đi học”.

Theo bà Bòn, chưa dừng lại ở đó, khi con gái lớn của bà lấy chồng cũng không thực hiện được thủ tục đăng ký kết hôn vì không có sổ hộ khẩu. Cuối năm 2018, cháu ngoại bà Bòn ra đời nhưng không làm được giấy khai sinh và không có bảo hiểm y tế. Vì vậy các quyền lợi của bé bị ảnh hưởng, nhất là về chăm sóc y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Riêng bà Bòn, vừa qua giấy CMND cũ của bà không may bị cháy nên để thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương của bà hiện nay cũng rất khó khăn. “Hàng chục năm nay vợ chồng tôi sống ở đây như những công dân vô danh vì không có lấy bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Người dân mong chính quyền địa phương sớm giải quyết cho chúng tôi có sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác”, bà Bòn nói.

 Ông Phạm Văn Vinh (ấp Bàu Sôi, xã Tân Lâm) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo ông Vinh, từ năm 1992 gia đình ông đã rời Hải Dương vào lập nghiệp và sinh sống tại ấp Bàu Sôi. Ông có 4 người con, 3 người con sinh ra ở Hải Dương nên may mắn làm được giấy khai sinh. Riêng người con trai út là Phạm Văn Nam (SN 1993), sinh ra tại ấp Bàu Sôi không làm được giấy khai sinh. Nguyên nhân vì thời gian rời quê đã lâu nên ông Vinh đã bị cắt khẩu ở quê nhà. Do vậy người con trai út của ông đến nay dù 27 tuổi vẫn không làm được CMND. Điều này gây khó khăn cho em khi đi xin việc làm. “Tôi mong chính quyền sớm giải quyết để con tôi làm được giấy tờ tùy thân để cháu tìm được việc làm như bao bạn bè cùng trang lứa khác, gia đình tôi có sổ hộ khẩu để được hưởng những phúc lợi xã hội khác”, ông Vinh bày tỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ có tình trạng nêu trên là do các hộ dân chủ yếu là dân di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào khai hoang lập nghiệp ở khu vực Vườn Mía, ấp Bàu Sôi. Năm 2009, các hộ dân được Trại giam Xuyên Mộc (Bộ Công an) yêu cầu di dời ra khỏi khu vực trên vì cho rằng diện tích đất người dân đang sử dụng do trại giam quản lý. Tuy nhiên, thời điểm đó người dân không thực hiện di dời. Qua nhiều lần đối thoại với các hộ dân, năm 2017, Trại giam Xuyên Mộc đã có văn bản do Đại tá Võ Hữu Biên, Phó Giám thị trại giam ký đồng ý giao trả cho UBND xã Tân Lâm quản lý diện tích đất khoảng 86ha tại khu vực Vườn Mía, tổ 6, ấp Bàu Sôi, trong đó có diện tích của các hộ dân mà phóng viên đã đề cập ở trên. Tuy nhiên từ đó đến nay người dân vẫn chưa thể làm được giấy tờ đất, sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác.

Về vấn đề này, ông Đoàn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc xác nhận: “Khu vực Vườn Mía, tổ 6, ấp Bàu Sôi có hơn 50 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu đang sinh sống. Nhiều năm qua, do vướng đất quốc phòng nên quyền lợi của các hộ dân vẫn chưa được giải quyết. Về phía UBND xã Tân Lâm không có đủ thẩm quyền để giải quyết nhưng xã đã báo cáo thực trạng nêu trên và kiến nghị với UBND huyện Xuyên Mộc xem xét có hướng giải quyết nguyện vọng của người dân”.

Được biết, xung quanh đề nghị này, UBND huyện Xuyên Mộc đã 3 lần có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh cho ý kiến về diện tích 86ha tại khu vực Vườn Mía này. Tháng 10/2019, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 11263/UBND-VP gửi Bộ Công an có ý kiến về diện tích đất tại khu vực Vườn Mía, tổ 6, ấp Bàu Sôi, xã Tân Lâm. Trong đó văn bản nêu rõ, hiện nay Trại giam Xuyên Mộc không còn trực tiếp quản lý và sử dụng diện tích đất 86ha này mà các hộ dân tự khai phá và sử dụng từ khoảng năm 1986 đến nay. Do vậy tỉnh BR-VT đề nghị Bộ Công an xem xét, rà soát và có phương án đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng thì đề nghị có ý kiến bằng văn bản giao trả để UBND tỉnh thực hiện việc thu hồi, giao về cho địa phương quản lý, lập phương án sử dụng đất. Thế nhưng, đến nay Bộ Công an vẫn chưa có văn bản trả lời cho tỉnh về vấn đề này.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG - MAI NGỌC

.
.
.