Bao giờ 20 hộ dân thôn Phước Trung, xã Đá Bạc có điện lưới?
Hơn 20 hộ dân chưa có điện sinh hoạt và sản xuất, trẻ em phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng học bài hàng đêm. Đó là thực tế diễn ra hàng chục năm qua tại tổ 3, thôn Phước Trung, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức.
Gia đình ông Trần Văn Quyết (tổ 3, thôn Phước Trung, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) phải bỏ không chuồng nuôi heo do thiếu diện phục vụ chăn nuôi. |
Đến thôn Phước Trung vào những ngày nắng nóng của đầu tháng 5 này mới thấu hiểu được nỗi khổ của các hộ dân nơi đây khi thiếu điện sinh hoạt. Trời nắng nóng, nhà nhà, người người phải sử dụng quạt tay, sử dụng bếp củi để nấu ăn, không có nhà nào có thiết bị điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Vào ban đêm thì chỉ có ánh đèn mờ mờ từ cây đèn dầu, hoặc sáng hơn một chút là mấy cái bóng đèn nhỏ 6 -12 vol được thắp sáng bằng bình ắc-quy, hoặc bộ sạc tích điện. Một vài hộ dân “may mắn hơn” khi được sử dụng điện câu “nhờ” của các hộ dân khu vực lân cận. Tuy nhiên, do điện câu phải kéo từ nơi xa đến nên tiêu hao ngay trên đường dây dẫn điện, khiến cho nguồn điện thường xuyên yếu và chập chờn lúc có lúc không.
Ông Trần Văn Quyết (tổ 3, thôn Phước Trung) cho biết, gia đình ông sinh sống ở đây đã hơn 30 năm, cũng chừng ấy năm, ông Quyết chứng kiến cảnh sống không có điện của người dân khu vực này. Thu nhập của gia đình ông Quyết chủ yếu từ làm rẫy, chăn nuôi gia súc, trồng cao su và tiêu. Để có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, năm 2015, ông Quyết đã phải bỏ chi phí khoảng 30 triệu đồng để kéo nhờ điện từ một hộ dân ở khu vực thôn Đập Đá Bàng cách nhà ông 1,5km, chấp nhận phải trả tiền điện giá cao gần 1 triệu đồng/tháng.
Do điện câu nhờ, đường dây không bảo đảm, nên nguồn điện thường không đủ công suất phục vụ cho việc sản xuất của gia đình ông Quyết. Hiện tại, hơn chục chuồng heo cũng đành bỏ hoang vì không đủ điện phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, năng suất cây trồng cũng giảm đi một nửa do không có điện để bơm nước tưới, khiến vườn tiêu bị chết, các loại cây trồng khác cũng cằn cỗi, làm thu nhập giảm sút. “Không có điện rất khó khăn cho chúng tôi trong sinh hoạt và phát triển kinh tế gia đình. Rất mong chính quyền địa phương sớm đầu tư đưa điện lưới Quốc gia về với người dân nơi đây”, ông Quyết kiến nghị.
Nhà ông Trần Văn Đức nằm ngay trung tâm tổ 3, thôn Phước Trung. Dù được xem là gia đình khá giả của thôn, có 8 sào cao su, 1 sào mai kiểng và đàn dê hàng chục con, nhưng trong căn nhà của ông Đức không có gì đáng giá ngoài cái giường ngủ và bộ tủ thờ. Không tivi, không tủ lạnh, không quạt điện, không bóng đèn thắp sáng… Khổ nhất vẫn là những đứa con ông Đức đang học TH và THCS luôn phải học bài trong tình trạng thiếu ánh sáng, thậm chí có những hôm muỗi nhiều quá các em phải chui vào màn, thắp đèn dầu để học bài. Việc sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Đức cũng gặp nhiều khó khăn. “Nhiều năm qua, người dân trong thôn kiến nghị không biết bao nhiêu lần, lúc nào cũng được xã, huyện hứa sẽ xem xét, sẽ đầu tư nhưng rồi chẳng thấy đâu!”, ông Đức bức xúc.
Ông Trần Văn Đức (tổ 3, thôn Phước Trung, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) đang châm dầu vào đèn để thắp sáng vào ban đêm. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực tổ 3 thôn Phước Trung hiện có hơn 20 hộ dân đang trong tình trạng không có điện lưới Quốc gia để sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất, học tập… Được biết, trước đây khu vực này thuộc xã Long Phước (TP.Bà Rịa), sau khi chia tách đã sáp nhập vào xã Đá Bạc (huyện Châu Đức).
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Đá Bạc cho hay, trên địa bàn xã còn nhiều khu vực người dân chưa có điện lưới quốc gia. UBND xã cũng đã khảo sát tình hình thiếu điện của các hộ dân và báo cáo UBND huyện để có phương án giải quyết. Hiện nay, UBND huyện Châu Đức và ngành điện lực cũng đã có chủ trương xây dựng đường điện ở khu vực tổ 3, thôn Phước Trung.
Theo Điện lực Châu Đức, hiện nay, khu vực thiếu điện ở thôn Phước Trung, xã Đá Bạc chủ yếu ở tổ 3 và một phần tổ 5, tổ 6. Điện lực Châu Đức đã tiến hành khảo sát, nhận thấy khu vực này giáp ranh với các vườn cao su (thuộc xã Long Phước, TP.Bà Rịa) nên việc đầu tư đường điện gặp nhiều khó khăn. Theo lộ trình, năm 2020 ngành điện lực sẽ phối hợp với địa phương để triển khai xây dựng đường điện khu vực này. Cụ thể, sẽ đầu tư trạm điện trung thế và đường dây truyền tải khoảng 1.895m; trạm điện hạ thế và đường dây khoảng 1.734m. Dự kiến kinh phí thực hiện gần 1,5 tỷ đồng.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG