Nâng cấp địa đạo Kim Long: Không thể chậm hơn nữa!
Gửi thư đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức cho biết, tuyến đường từ Quốc lộ 56 đi vào Khu di tích lịch sử địa đạo Kim Long (Khu địa đạo Kim Long) nhỏ hẹp và đang xuống cấp, làm cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Quan trọng hơn, đây là một trong những nguyên do khiến cho điểm di tích lịch sử này kém thu hút khách tham quan.
ĐƯỜNG VÀO XUỐNG CẤP, DI TÍCH HOANG VẮNG
Con đường từ QL 56 dẫn vào Khu địa đạo Kim Long nhỏ hẹp và đã bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà. |
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường nối từ Quốc lộ 56 vào Khu địa đạo Kim Long dài khoảng 6km hiện nay đã xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà lồi, lõm, nước đọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Sự xuống cấp của con đường đã ảnh hưởng đến việc thu hút khách tham quan đến với Khu địa đạo Kim Long. “Đây là con đường chính đi vào khu di tích? Nhưng đường hẹp, lại xuống cấp như vậy thì khách du lịch nào còn muốn ghé thăm di tích. Người dân ở đây ai cũng mong cơ quan chức năng sớm nâng cấp sửa chữa con đường”, anh Bùi Văn Gia (thôn Tam Long, xã Kim Long) kiến nghị.
Không chỉ tuyến đường dẫn vào di tích bị hư hỏng, mà Khu địa đạo Kim Long cũng đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 10-10, có mặt tại nơi đây, phóng viên nhận thấy đoạn đường ngay cổng vào di tích ngập trong nước. Bước vào khu di tích, một hình ảnh hoang vắng, u ám bao phủ lấy địa đạo. Tại khu vực nhà chờ, được xây dựng để phục vụ khách tham quan, chỉ có mấy chiếc ghế đá bám đầy bụi. Khu vực nhà vệ sinh của di tích cũng bị xuống cấp, không sử dụng được. Một số nơi cỏ mọc um tùm, một số đoạn của đường hào xuống địa đạo đã bị sụp xuống, khiến cho di tích càng trở nên hoang phế.
Ông Hồ Văn Mích (tổ 63, thôn Tam Long, xã Kim Long), một trong những hộ dân đang sinh sống trong khu vực di tích cho biết, khách tham quan địa đạo rất ít, mỗi năm chỉ có vài đoàn khách tìm đến. “Do di tích đã xuống cấp, không có gì để tham quan, nên khách chỉ chụp mấy tấm ảnh rồi mau chóng ra về”, ông Mích nói.
Một miệng hầm tại Khu địa đạo Kim Long đầy lá rụng và bị người dân tấp cỏ, củi khô xung quanh. |
Khu địa đạo Kim Long được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1994. Hệ thống địa đạo thuộc di tích này được hình thành từ năm 1962 đến năm 1964 có 12 cửa lên, xuống với chiều dài 2km xuyên qua nhà ở, vườn cây ăn trái của hộ dân. Trong địa đạo có đầy đủ công sự chiến đấu, phòng họp, trạm y tế, kho lương thực, vũ khí… Nhờ có địa đạo Kim Long, bộ đội và du kích địa phương đã bám trụ để hoạt động, phát triển phong trào cách mạng. Đồng thời, tổ chức chống trả các đợt càn quét và gom dân của Mỹ - Diệm. Địa đạo Kim Long là chứng tích lịch sử quan trọng, góp phần rất lớn vào chiến thắng Bình Giã cuối năm 1964, phá tan nhiều cuộc càn quét của Mỹ - ngụy trên địa bàn huyện Châu Đức giai đoạn 1966-1967, khẳng định tinh thần, ý chí chiến đấu dũng mãnh của quân và dân BR-VT trong thời kỳ kháng chiến.
Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Long thừa nhận, hiện Khu di tích Địa đạo Kim Long đã xuống cấp, số lượng khách tham quan hàng năm rất ít, chủ yếu là của các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động về nguồn. Hiện tại, chỉ có một bảo vệ do xã bố trí làm nhiệm vụ coi ngó, kiêm luôn công tác dọn dẹp, vệ sinh địa đạo.
CHUẨN BỊ SỬA CHỮA, TRÙNG TU
Một đoạn đường hào ở Khu địa đạo Kim Long bị sụp đổ. |
Ông Ngô Văn Luận, Trưởng Phòng Kinh tế-hạ tầng huyện Châu Đức cho biết, con đường từ Quốc lộ 56 vào Khu địa đạo Kim Long do xây dựng đã nhiều năm, nay đã xuống cấp. Từ tháng 8-2018, UBND huyện Châu Đức đã có quyết định nâng cấp, sửa chữa con đường này từ 3m mở rộng thành 4m, kinh phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 10 sẽ triển khai thực hiện.
Về vấn đề Khu địa đạo Kim Long hiện đang xuống cấp trầm trọng, một lãnh đạo Phòng VH-TT huyện Châu Đức cho biết, UBND huyện đã xin chủ trương của tỉnh về việc tu bổ, tái tạo di tích và đã được đồng ý; UBND huyện cũng đã gửi văn bản xin ý kiến đóng góp của Sở VH-TT về phương án tu bổ và tôn tạo Khu địa đạo Kim Long. Việc tu bổ, tái tạo lại di tích này sẽ góp phần thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử tỉnh BR-VT và tinh thần quật cường của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Châu Đức, công trình tu bổ, tái tạo Khu địa đạo Kim Long dự kiến có quy mô khu đất quy hoạch khoảng hơn 2ha. Tập trung chủ yếu vào xây dựng các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp đường hầm di tích và xây các công trình mới gồm đền thờ, nhà lưu niệm - quản lý di tích, nhà chờ, khu trưng bày - tái hiện di tích, vườn thực nghiệm, công trình phụ... “Hiện nay, các cơ quan chức năng của huyện đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh phương án kiến trúc, đồng thời xin bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020”, ông Nguyễn Đức Tân cho hay.
Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ