NÂNG CAO NHẬN THỨC, NĂNG LỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHO CỘNG ĐỒNG TẠI LƯU VỰC SÔNG THỊ VẢI
Đó là nội dung buổi tọa đàm diễn ra tại hội trường UBND huyện Tân Thành, sáng 6-9. Buổi hội thảo được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo chương trình tư vấn đào tạo ứng dụng (Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển TP. Hồ Chí Minh) và Ban quản lý dự án SEF (bảo vệ môi trường) tổ chức. Hơn 30 cán bộ đại diện các ban, ngành, đoàn hội trong và ngoài tỉnh tới tham dự và góp ý giải pháp cải thiện môi trường sông Thị Vải.
Tại buổi hội thảo, sau khi nêu thực trạng ô nhiễm hiện nay của sông Thị Vải, thạc sỹ Nguyễn Thanh Hùng, cán bộ Viện Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã nêu lên hiệu quả khi cả cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường như dự án Asian Foundation "Cải thiện môi trường kênh Tân Hóa- Lò Gốm", do TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Portland (Mỹ) thực hiện, đã đạt hiệu quả cao nhờ phát huy năng lực cộng đồng. Đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thành như: Nhà máy xi măng Holcim, Cảng Phú Mỹ… cũng trình bày kinh nghiệm xử lý chất thải thành công của đơn vị mình. Nhiều ý kiến cho rằng lý do mà các doanh nghiệp cố ý làm sai trong vấn đề bảo vệ môi trường là do chi phí xử lý rác thải, nước thải quá lớn và sự thiếu kiên quyết của chính quyền trong việc xử lý. Còn cộng đồng dân cư thì vô tư xả rác, xả nước thải do ý thức chưa cao. Chính vì thế, bên cạnh việc giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xây dựng những tiểu ban nhỏ, tuyên truyền ngay trong dân, các cơ quan chức năng phải xem xét thật kỹ trước khi cấp giấy phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào và phải kiên quyết xử lý, thậm chí đình chỉ hoạt động những doanh nghiệp cố tình sai phạm.
Minh Thanh