.

CHUYỆN BÀ NGUYỄN THỊ ĐƯỢC BỊ NGƯỢC ĐÃI

Cập nhật: 08:42, 11/01/2005 (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Được trong túp lều của mình. Ảnh: L.P

Báo Bà Rịa- Vũng Tàu nhận được thư phản ánh việc bà Nguyễn Thị Được, ở ấp 4 xã Hoà Bình, huyện Xuyên Mộc bị hai vợ chồng người con nuôi ngược đãi một cách dã man. Phóng viên báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã đến tận nơi tìm hiểu vấn đề này.

TỪ LÁ THƯ PHẢN ÁNH

Lá thư do một số hộ dân nơi bà Được sinh sống đồng ký tên có nội dung như sau : Bà Nguyễn Thị Được, 84 tuổi, quê ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bà Được không chồng, không con, vì thế bà nhận nuôi một bé gái tên là Ngọc, bị bỏ rơi lúc mới một tuổi đầu.

Vì cuộc sống ở quê khó khăn, bà Được vào xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc ở với chị ruột là bà Nguyễn Thị Có (nay đã 90 tuổi), là mẹ liệt sĩ hiện đang được xã và huyện nuôi dưỡng. Chắt chiu, góp nhặt, bà Được cũng mua được một ít đất do chị nhượng lại giá rẻ, cất căn nhà tạm. Bà Được đã dựng vợ gả chồng cho Ngọc (chồng Ngọc tên là Hồng), và đưa hai vợ chồng Hồng-Ngọc về ở cùng. Thế nhưng từ đó đến nay, vợ chồng Hồng-Ngọc luôn đối xử tệ bạc với mẹ, coi mẹ như kẻ ăn người ở. Nhiều năm nay, Hồng và Ngọc bắt mẹ ra chợ xin gạo, tiền về nuôi gia đình, những lúc không xin được hoặc khi bị bệnh không đi được, bà lại bị chửi bới, bỏ đói, thậm chí còn bị đánh đập. Bà con lối xóm thương tình cho bà ăn, nhưng cũng phải cho lén vì nếu vợ chồng Hồng-Ngọc và các con của Ngọc biết được cũng bị giật mất! Vợ chồng Hồng-Ngọc quá dữ nên không ai dám nói ra, nhưng rồi bức xúc trước những hành động của vợ chồng Hồng-Ngọc có người dân đã báo cáo với chính quyền địa phương.

SỰ THẬT ĐAU LÒNG

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã đến ấp 4 xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc. Vào chợ, chỉ nghe chúng tôi hỏi tên, một số người buôn bán trong chợ đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà bà Được. Trên chiếc giường tre ọp ẹp đặt trong một túp lều lợp bằng đủ thứ vật liệu có thể phủ lên được, xung quanh thưng phên cót , là một cụ già nằm co quắp. Sau một hồi nghe những người quen đi cùng chúng tôi lay gọi, bà cụ mới mở mắt, khuôn mặt đờ đẫn và nhăn nheo. Những người hàng xóm cho biết, bà cụ mới bị ốm gần đây, trước đó bà vẫn lần hồi ra chợ kiếm ăn. Hỏi chuyện, cụ Được vẫn còn minh mẫn, nhưng khi hỏi việc con cái có ngược đãi không thì bà cụ cúi mặt xuống, lảng tránh.

Chúng tôi dạo một vòng quan sát nơi ở của vợ chồng Hồng-Ngọc và 5 đứa con của họ. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là túp lều lợp tranh khoảng hai gian thông với nhau, nồi niêu bếp núc, chỗ ngủ hầu như không có một bức vách ngăn cách. Qua tìm hiểu, được biết vợ chồng Hồng-Ngọc thường xuyên vắng nhà. Ngọc đi làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, thường mỗi tháng mới về vài ngày rồi lại đi. Còn Hồng thì hằng ngày đi chích cá ruộng hoặc đi làm thuê. Năm người con của họ đứa thì nghỉ học, đứa đi làm mướn. Lúc chúng tôi đến, chỉ có hai đứa nhỏ ở nhà.

Để hiểu rõ thêm sự việc, chúng tôi đã gặp những người có trách nhiệm của xã Hoà Bình. Tiếp chuyện chúng tôi, các anh Trần Văn Khánh, Phó Chủ tịch HĐND và Nguyễn Quang Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trường hợp của bà Nguyễn Thị Được, lãnh đạo xã cũng đã biết và đã có nhiều biện pháp để giúp đỡ bà. Cụ thể, xã đã trợ cấp gạo cho bà Được và phụ nữ xã, ấp nấu cơm hoặc bằng nhiều cách để cho bà ăn đầy đủ. Hội LHPN xã còn cử người đến tắm rửa, giặt giũ cho bà. Xã đã quyết định và đang tiến hành xây cho bà một căn nhà tình thương trị giá 7 triệu đồng ngay trên đất của bà. Việc ngược đãi bà trước hết là do những đứa con bà không hiếu thảo, nhưng mặt khác cũng xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hồng-Ngọc. Họ không có công ăn việc làm ổn định, lại đông con, suốt ngày không có mặt ở nhà, sợ bà Được có lúc lẩn thẩn ra ao, ra giếng nên trói chân bà không cho đi.

Như vậy, việc bà Nguyễn Thị Được bị ngược đãi là có thật, và sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, chính quyền và đoàn thể của xã Hoà Bình, huyện Xuyên Mộc đã có những biện pháp tích cực để giúp đỡ bà.

Tổ Công tác Bạn đọc

.
.
.