ĐỂ CHƯƠNG TRÌNH 135 ĐẠT HIỆU QUẢ CAO HƠN
![]() |
Anh Đào Văn Bê, dân tộc Châu Ro ở ấp Núi Nhọn, Xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) đang chăm sóc bò được Nhà nước hỗ trợ giống. Ảnh: Tuấn Khánh |
Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135, đã tạo ra được diện mạo nông thôn mới với đầy đủ những cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống điện, nước, trạm y tế, trường học…, Đời sống của đồng bào dân tộc từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, chương trình cũng chỉ mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thành tựu nổi bật của Chương trình 135 sau 5 năm thực hiện đã được thể hiện hầu hết trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế,văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội đã được cải thiện so với trước đây, nhiều công trình hạ tầng đưa vào sử dụng đã thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả đáng kể, không còn hộ đói kinh niên, số hộ nghèo ngày càng giảm. Đến cuối năm 2003, toàn tỉnh chỉ còn 5,4% hộ nghèo.
Thành quả đậm nét nhất của chương trình 135 là xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc quy hoạch, bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết đã được triển khai. Từ đó, hình thành các dự án cơ sở hạ tầng, xây dựng những công trình đáp ứng yêu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống để phát triển kinh tế – xã hội ở những xã đặc biệt khó khăn. Qua 5 năm thực hiện, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư 27.575 triệu đồng cho nhiều hạng mục công trình như đường giao thông các trung tâm cụm xã, hệ thống điện, hệ thống cấp nước, xây dựng chợ, trường học, trạm y tế… Nhiều địa phương đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thoát được tình trạng tự cung tự cấp, thích nghi dần với kinh tế thị trường, đời sống đã được cải thiện rõ rệt, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa giàu, nghèo, giữa các vùng trong đồng bào dân tộc. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và toàn diện ở vùng dân tộc, miền núi.
Tuy nhiên, chương trình cũng chỉ mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, còn nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch dân cư, đào tạo cán bộ thì chưa thực hiện được nhiều. Xây dựng cơ sở hạ tầng là vấn đề lớn, quan trọng, nhưng nếu chỉ có vậy thì vẫn không thể đưa đồng bào dân tộc vượt nghèo, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Do vậy, ngay từ bây giờ Chương trình 135 cần đẩy mạnh phát triển kinh tế sao cho đời sống đồng bào dân tộc khấm khá hơn hiện nay. Để làm được việc này, trước mắt phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng phục vụ sản xuất, ưu tiên cho các công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Phải quan tâm đến các dịch vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc.
Nếu được đầu tư đúng hướng như trên, chắc chắn Chương trình 135 trong thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho đồng bào dân tộc. Có như thế mới sớm giải quyết được mục tiêu mà chương trình đã đề ra là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển.
Thu Phong