"Giải cứu" thú rừng

Thứ Năm, 03/09/2020, 20:39 [GMT+7]
In bài này
.

- Tui thấy quý tử nhà ông rất có “hoa tay”. Sao ông không cho nó đi thi vẽ để phát huy năng khiếu?

- Có cuộc thi nào không?

- Thiếu gì! Nhưng theo tui nên chờ những cuộc thi có ý nghĩa giáo dục cao. Như cuộc thi vẽ tranh “Bảo vệ tê giác một sừng và các loài động vật hoang dã quý hiếm” chẳng hạn. 

- Chờ thì chờ. Đó cũng là cách để nâng cao nhận thức cho con cháu về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, ví dụ như loài tê giác Java ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. 

- Nói phải lắm. Phải dạy trẻ em từ bây giờ về điều đó. Để sau này, chúng ta có một thế hệ thanh niên biết quý trọng giá trị của các loài động vật hoang dã quý hiếm, có ý thức bảo vệ môi trường, biết sống hòa hợp với thiên nhiên. 

- Nếu vậy tui đề nghị nên cho các cháu đi mục kích sở thị. 

- Cũng được. Chúng ta sẽ đưa các cháu đi khám phá Vườn Quốc gia Cát Tiên, tham quan trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi hoặc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương, thả động vật hoang dã về môi trường thiên nhiên…

- Tui thì lại muốn đưa các cháu vào các nhà hàng, quán… thịt rừng. 

- Trời, vô những nơi đó để làm gì?! Có cần thiết không?

- Sao lại không? Muốn bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, phải bảo vệ, “giải cứu” ngay tại nơi chúng bị giam cầm, chờ ngày… hóa kiếp. Ông nghĩ tui nói có đúng không?

SÁU BẾN ĐÌNH

;
.